YBĐT – Yên Bái có nhiều đền, chùa thu hút đông đảo khách thập phương và nhân dân trong tỉnh đi lễ vào những ngày đầu năm. Cầu tài, cầu lộc đầu xuân mới là nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Đặc biệt xuân Tân Mão này là xuân Yên Bái đăng cai khai mạc Chương trình “Du lịch về cội nguồn năm 2011”. Các ngành liên quan và địa phương nơi có đền, chùa tổ chức cho nhân dân vui lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm là vấn đề đáng bàn.
Những năm trước, chỉ lướt qua một số đền, chùa đã thấy có nhiều chuyện đáng lưu tâm. Đó là hiện tượng lên đồng, lên cốt gây mất trật tự trị an.. Rồi chuyện phung phí vô ích của không ít người vào việc lễ lạt. Chuyện đi lễ đầu năm thể hiện sự thành kính, biết ơn của mỗi con người trước các bậc tiền nhân có công với quê hương, đất nước. Một nén hương tỏ lòng thành kính cùng chút lễ mọn cũng đủ, nhưng không ít người tiêu phí lượng lớn vàng mã, lễ mặn, lễ ngọt tú ụ đi hết đền nọ, chùa kia gây tốn kém cả về thời gian, tiền bạc không đáng có.
An ninh trật tự ở các đền, chùa trong ngày lễ cũng là chuyện cần nói. Còn nhớ mãi trong lễ hội đền Đông Cuông năm ngoái, ngay từ đêm mổ trâu trắng trước ngày khai mạc tại gốc mít cổ thụ trước cửa đền, chứng kiến vòng người xem mổ trâu chen lấn xem gây mất trật tự, người ta đã đưa ra câu nhận xét: “Chẳng khác gì năm trước”. Do khu vực mổ trâu, Ban tổ chức lễ hội chỉ qui định bằng ranh giới mềm có bán kính rất nhỏ, người xem chen lấn xô đẩy đã khiến lực lượng trật tự hết sức vất vả, dẫn tới có cả xô xát.
Để xem được cảnh mổ trâu, một số thanh niên trèo cả lên cây mít, vừa xem vừa hút thuốc lá vứt cả tàn thuốc vào đầu người đứng dưới. Chưa kể tới trong lúc mổ, trâu giãy có thể đứt chạy gây nguy hiểm cho người xem. Để chấm dứt cảnh này, có người đã đặt ra câu hỏi tại sao Ban tổ chức không làm hàng rào sắt di động để cứ đến ngày hành lễ mổ trâu mang ra để chắn khi xong lại cất đi có hiệu quả hơn không?
Lục Yên cũng là huyện hàng năm tổ chức hội chọi trâu nhân dịp lễ hội đền Đại Cại, việc bảo đảm an toàn và an ninh trật tự trong lễ hội không thể không lưu tâm. Những người đi lễ hội năm trước nhận xét, đã trang nghiêm hơn, có thêm các hoạt động thể thao như bóng chuyền, ném còn. Nhưng người đi hội cũng cho rằng cần có thêm những trò chơi dân gian khác lành mạnh hơn cho người dân. Các trò chơi thu tiền như: Chiếc nón kỳ diệu, vòng quay số, bốc số, phi tiêu nhận thưởng…của tư nhân hoạt động cần được quản lý chặt chẽ. Lễ hội đền Đông Cuông năm ngoái, chỉ lướt qua khu vực bên bờ sông gần cổng đền đã có tới trên chục điểm trò chơi kiểu này hoạt động. Chưa kể bên kia sông cũng có tới bằng ấy điểm như thế… lột sạch túi người chơi.
Người dự hội năm ngoái đã tới các đền, chùa trong tỉnh để chứng kiến trò chơi Chiếc nón kỳ diệu. “Cần câu” của nhóm “Chiếc nón kỳ diệu” này đưa ra “chỉ với 1 nghìn đồng nếu trúng số bạn được một bao thuốc Vinataba” hay “Một nghìn được mười nghìn đồng”. Với một chiếc nón quay 10 số, nhưng nhóm này đặt tới 3 bàn đặt tiền. Dù liên tục mất tiền, nhưng rất đông thanh niên nông thôn vẫn muốn thử may rủi, mất 1 nghìn lại đặt 2 nghìn, rồi 5 nghìn.
Nhưng chứng kiến suốt 15 phút đồng hồ, vòng quay cứ đều đều, các thành viên trong nhóm rào rào thu tiền mà không thấy ai trúng. Rồi cũng có người trúng 1 nghìn được 10 nghìn đồng, nhưng nhẩm tính trừ đi nhóm “Chiếc nón kỳ diệu” vẫn lãi 20 nghìn đồng, chưa kể có người cay cú đặt cao hơn. Trò bốc số trên chiếc đũa khắc gạch đếm số cũng tương tự…
Văn minh lễ chùa là cầu những điều tốt lành đến trong năm mới, tri ân các bậc tiền nhân là nơi mỗi người tự gột rửa lòng mình để tâm hồn thư thái, thanh tịnh, nghĩ về những điều tốt đẹp. Vì thế người đi lễ chùa cũng mong một lễ hội văn minh, tôn vinh nết đẹp truyền thống chứ không muốn lãng phí thời gian, tiền bạc cũng như mắc lừa kẻ xấu ở chính nơi tôn nghiêm. vì thế, các ngành chức năng, địa phương tổ chức lễ hội cũng cần có các giải pháp tích cực nhằm chấn chỉnh các hoạt động lễ hội mang màu sắc mê tín dị đoan; ngăn chặn các trò lừa bịp thu tiền dân sao cho đền, chùa vào những ngày lễ hội thực sự là chốn văn minh và linh thiêng.
Đào Minh