YênBái – YBĐT – Sau 5 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội(NHCSXH) Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và khẳng định được vai trò của mình trong đời sống xã hội, góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Có thể nói, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH thông qua 7 chương trình là: Cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã đáp ứng được nguyện vọng của hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Qua mô hình tổ chức, màng lưới hoạt động của NHCSXH, vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ đã đến tay hộ nghèo và được sử dụng đúng mục đích, tạo ra được ngành nghề mới, việc làm mới, sản phẩm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận nhân dân vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, các tổ chức chính trị, xã hội làm uỷ thác từng phần đã có điều kiện mở rộng, củng cố, kiện toàn tổ chức mình ngày càng vững mạnh. Thông qua giao dịch lưu động tại các xã, phường đã giúp người dân tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí trong quan hệ vay vốn, trả vốn…
Bên cạnh một số chương trình cho vay đạt hiệu quả cao, trong thời gian qua, hoạt động của NHCSXH vẫn còn bộc lộ một số tồn tại. Do ban đại diện Hội đồng quả trị các cấp hoạt động kiêm nhiệm, chưa tăng cường kiểm tra giám sát nhất là khâu kiểm tra cơ sở nên một số chương trình cho vay thực hiện chưa kịp thời, đối tượng cần vay vốn không được vay, gây lãng phí nguồn vốn. Trong năm 2007, chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được cấp 3 tỷ 858 triệu đồng nhưng các địa phương trong tỉnh chỉ thực hiện giải ngân được 2 tỷ 406 triệu đồng. Đáng trách là huyện Yên Bình không lập được danh sách các đối tượng được vay theo chương trình này trong khi vốn giao 340 triệu đồng, huyện Văn Chấn được giao 1 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện giải ngân 38 triệu đồng, huyện Lục Yên giao 900 triệu đồng, thực hiện 815 triệu đồng… Duy nhất huyện Mù Cang Chải đã thực hiện giải ngân hết số vốn được cấp là 400 triệu đồng.
Do điều kiện khách quan mà NHCSXH Yên Bái mới chỉ triển khai 7/14 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội. Theo ông Nguyễn Anh Hoàng – Phó giám đốc NHCSXH Yên Bái, 7 chương trình còn lại của NHCSXH đều mang tính đặc thù theo vùng miền và nguồn vốn không lớn. Cụ thể như chương trình cho vay làm nhà đồng bằng sông Cửu Long, chương trình cho vay thực hiện dự án trồng rừng đòi hỏi thông qua uỷ thác tổ chức nước ngoài và chỉ thực hiện khu vực miền Trung…Tất cả 7 chương trình còn lại này đều mang tính thử nghiệm và chỉ chiếm 3% trong tổng nguồn vốn của NHCSXH. Hay như chương trình cho vay theo Quyết định 212/ QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/9/2006 về tín dụng với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma tuý hiện nay ở Yên Bái vẫn chưa thực hiện được bởi nguồn vốn cho chương trình này lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách địa phương cấp…
Năm 2008, tổng số vốn NHCSXH được giao trên 230 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo là 30 tỷ đồng, cho vay sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn 100 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 10 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 3,5 tỷ đồng, cho vay học sinh sinh viên 51 tỷ đồng, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn 3,5 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu lao động 5 tỷ đồng. Thiết nghĩ, để phát huy hết hiệu quả của NHCSXH, trong thời gian tới, thành viên các ban đại diện các cấp phải thực sự tham gia kiẻm tra, giám sát cơ sở theo quy chế của Trung ương đề ra, các Hội đoàn thể cần thực hiện tốt các công đoạn trong hoạt động vay vốn đã ký kết với NHCSXH. Mặt khác, các ban xoá đói giảm nghèo các xã, UBND các cấp cần tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo, tạo sự đồng bộ, chặt chẽ để các mục tiêu của từng chương trình đạt kết quả cao hơn, đặc biệt UBND các huyện cần tập trung chỉ đạo, phê duyệt danh sách hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn một cách đầy đủ, nghiêm túc, đúng đối tượng, đảm bảo cho nhân dân sớm được vay vốn, tránh để lãng phí vốn như năm 2007…
Khánh Linh