YênBái – YBĐT – Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có hơn 3.000 người tham gia lao động ở nước ngoài. Số lao động này hàng tháng gửi về trên 7 tỷ đồng. Xuất khẩu lao động ( XKLĐ) đang là một trong những nguồn thu khá lớn, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, Yên Bái đã có một số lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm các công việc khác.
Để những người tham gia XKLĐ yên tâm làm việc ở nước ngoài, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh việc triển khai, tạo mọi điều kiện thuận lợi và ra sức bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Có thể thấy rõ điều đó khi XKLĐ đã tạo công ăn việc làm cho một bộ phận đáng kể người lao động, đặc biệt là ở các địa phương khó khăn như huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn. Số tiền hàng tháng gửi về trên 7 tỷ đồng, nên một số làng quê đã khởi sắc, bộ mặt nông thôn đã dần thay đổi, tiêu biểu như các xã: Đồng Khê, Phù Nham, Thạch Lương, Thanh Lương (Văn Chấn), Mông Sơn (Yên Bình), Lâm Thượng (Lục Yên)… Cũng thông qua đó, người lao động có điều kiện nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc công nghiệp, ý thức kỷ luật. Hơn thế, những lao động sau khi trở về nước có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác v.v…
Tuy nhiên, bên cạnh những điều đáng mừng đó có nỗi lo của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng, các nhà quản lý và các doanh nghiệp XKLĐ. Có thể nói trong thời gian gần đây, tình trạng người lao động tự ý bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp, vi phạm hợp đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang diễn ra hết sức phức tạp.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 30 lao động vi phạm hợp đồng lao động bỏ ra ngoài làm việc khác. Nguyên nhân trước hết là do công tác giáo dục định hướng chưa thỏa đáng; công tác tuyển chọn lao động của nhiều doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu và một yếu tố khách quan không thể không nói đến là sự chênh lệch mức lương làm việc ở bên ngoài và trong doanh nghiệp.
Đó mới là nguyên nhân chính khiến lao động tìm cách bỏ ra bên ngoài làm việc nhằm có mức thu nhập cao hơn. Một nguyên nhân nữa là, thái độ ứng xử không hợp lý của các doanh nghiệp và các đơn vị chủ quản khiến số lao động bất bình bỏ trốn. Tuy nhiên, với bất kỳ lý do nào, việc vi phạm hợp đồng lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc khác thì trước hết, bản thân những người đó đã đặt mình vào tình trạng phải sống chui lủi, bất hợp pháp nơi đất khách quê người. Thêm nữa, họ sẽ không được ai bảo vệ trước mọi bất công hay khó khăn nên đành chỉ phó mặc cho sự may rủi. Ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Đối với người lao động về trước thời hạn do công ty phá sản thì Nhà nước sẽ có mức hỗ trợ, còn đối với những lao động vi phạm hợp đồng thì sẽ không được bồi thường. Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp tham gia làm công tác xuất khẩu lao động sẽ không chịu trách nhiệm về sự an toàn cho các đối tượng xuất khẩu lao động vi phạm hợp đồng bỏ ra ngoài làm việc khác”.
Đó là hậu quả mà người vi phạm hợp đồng lao động phải gánh chịu, đồng thời các doanh nghiệp XKLĐ và uy tín của lao động tỉnh Yên Bái cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đứng trước tình trạng đó, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giải quyết vấn đề này như: khi ký hợp đồng với người lao động, gia đình người lao động được yêu cầu ký một bản hợp đồng lao động bảo lãnh để gắn với trách nhiệm. Tuy nhiên, theo ông Vượng, biện pháp quan trọng nhất là: cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là giáo dục về ý thức, kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành luật lao động của nước sở tại. Mặt khác, các doanh nghiệp đưa người đi lao động nên tìm kiếm đối tác có mức thu nhập cao để đưa người lao động đi làm việc. Có được như vậy thì người tham gia XKLĐ mới không “đứng núi này trông núi nọ”.
Hà Tĩnh