YBĐT – Thực tế triển khai các hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) tỉnh Yên Bái nhiều năm qua đã nảy sinh những vấn đề mới trong công tác tập hợp và đoàn kết thanh niên trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi tổ chức Hội các cấp phải thay đổi các hình thức tập hợp thanh niên để thực sự có sức hút đối với tuổi trẻ.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 218.600 người trong độ tuổi từ 16 – 30 (chiếm 29,3 dân số toàn tỉnh). Trong đó, thanh niên đang đi học chiếm 25,6%; thanh niên trực tiếp tham gia lao động sản xuất chiếm chiếm 73,7%, bằng 38,4 % tổng số lao động của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 96 nghìn hội viên Hội LHTN, trên 41 nghìn đoàn viên và trên 114 nghìn đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh sinh hoạt tại 2.927 chi đoàn (thuộc 505 cơ sở Đoàn trực thuộc thuộc 17 huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc) 400 chi hội thanh niên (thuộc 10 uỷ ban hội cấp huyện và tương đương).
Cùng với việc tập hợp và thu hút thanh niên tham gia vào các hoạt động phong trào công tác Hội, các cơ sở Đoàn, Hội đã tích cực vận động thanh niên tham gia vào các mô hình câu lạc bộ (CLB) tại địa phương. Trình độ, kỹ năng của cán bộ Đoàn từng bước nâng lên, nỗ lực tìm kiếm những mô hình mới, đáp ứng yêu cầu thiết thực, qua đó tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên.
Thông qua thực tiễn, các mô hình CLB, đội, nhóm được vận động xây dựng là phù hợp với nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, thanh niên và được hưởng ứng tích cực. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội ngày càng vững mạnh.
Trong thời gian qua, các cấp Hội LHTN toàn tỉnh đã cho ra mắt và duy trì có hiệu quả 27 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; 35 mô hình CLB ” Thanh niên với pháp luật”; 13 đội thanh niên ứng trực đảm bảo trật tự ATGT; 25 CLB thanh niên không sinh con thứ 3…; xây dựng các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân 25,7 tỷ đồng giúp thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp. Toàn tỉnh có trên 600 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ với tổng giá trị sản lượng hàng hoá, dịch vụ từ 100 – 600 triệu đồng/ năm; lợi nhuận từ 50 – 200 triệu đồng/ năm.
Mặc dù thực tế hiện nay chiếm tỷ lệ cao thanh niên (nhất là thanh niên nông thôn) không có nghề nghiệp, thiếu việc làm, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh nên phần lớn phải rời quê tìm việc ở nơi khác, khiến cho việc tập hợp thu hút họ tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội gặp nhiều khó khăn; các tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở, người “thủ lĩnh” thanh niên thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc, tham gia vào các ban chỉ đạo cùng cấp đã ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức các phong trào thu hút và tập hợp thanh niên, song đáng mừng là hiện nay cũng xuất hiện nhiều tổ chức tình nguyện tự phát nằm ngoài tổ chức Đoàn, Hội nhưng lại có sức ảnh hưởng khá lớn đối với thanh niên. Họ đoàn kết tập hợp được đông đảo lực lượng thanh niên thành các câu lạc bộ, đội, nhóm tham gia các hoạt động tình nguyện ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.
Xác định đây là cơ hội mà tổ chức Hội LHTN nghiên cứu để đoàn kết tập hợp và định hướng cho các bạn trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện, có tổ chức do Hội LHTN Việt Nam làm nòng cốt, Hội LHTN tỉnh đã tổ chức các buổi tọa đàm, bàn các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội. Thông qua các buổi tọa đàm cho thấy, các bạn trẻ đều đồng tình với chủ trương chuyển đổi từ mô hình chi hội hoạt động theo địa bàn sang mô hình CLB, tổ, đội, nhóm theo sở thích, nghề nghiệp.
Nhiều mô hình CLB, tổ, đội, nhóm được thành lập ở các lĩnh vực trong tỉnh như: CLB văn hoá thanh niên ” Nốt nhạc xanh”; câu lạc bộ hiphop, CLB thanh niên với pháp luật, câu lạc bộ trang trại trẻ… đã giúp cho việc đoàn kết, tập hợp thanh niên (nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên vùng dân tộc) được thuận lợi hơn. Hiệu quả từ các mô hình CLB, tổ đội, nhóm cho thấy yêu cầu cấp thiết cần phải đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt để tổ chức Hội thực sự có sức hút và trở thành địa chỉ đoàn kết tập hợp của thanh niên.
P.V