YBĐT – Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Song, không vì thế mà văn hóa đọc mất đi vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mọi người. Đọc sách giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ và ý nghĩa hơn, hướng con người đến chân – thiện – mỹ.
Song, trong xã hội hiện đại hôm nay con người dường như đang thờ ơ với thói quen đọc sách, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu nhi không còn hứng thú với những cuốn sách hay. Bên cạnh sự bùng nổ của công nghệ thông tin với mạng Internet, điện thoại di động và những phương tiện giải trí đa dạng, hấp dẫn còn có nguyên nhân sâu xa là chất lượng các xuất bản phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người đọc. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến văn hóa đọc, luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển.
Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi…”. Đây là việc làm vô cùng khó khăn.
Theo thống kê mới nhất do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công bố thì trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm, nghĩa là chưa đến một cuốn sách một năm. Con số này phần nào đã phản ánh được thực trạng văn hóa đọc của người Việt hôm nay.
Thư viện tỉnh Yên Bái luôn có nhiều giải pháp để vận động, khuyến khích mọi người cùng tham gia đọc sách như: xe lưu động của thư viện đã tổ chức phục vụ tại 61 điểm của 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với 86 buổi, trong đó có 67 buổi phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, phục vụ trên 25.000 lượt bạn đọc với gần 56.000 lượt sách luân chuyển trong 6 tháng đầu năm.
Cùng với đó, trong ngày hội đọc sách năm 2013 với chủ đề “Thắp sáng những ước mơ”, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Trường tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái hướng dẫn các em lựa chọn sách báo thích hợp, phương pháp đọc, kỹ năng đọc nhằm tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa đối với mọi người. Tuy nhiên, số bạn đọc đến với thư viện tỉnh Yên Bái trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 17% dân số.
Thực tế cho thấy, dù xã hội phát triển đến đâu, văn hóa đọc vẫn giữ vai trò rất quan trọng và vô cùng cần thiết đối với mỗi con người. Để văn hóa đọc trở thành nét sinh hoạt văn hóa của người dân Việt Nam nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng chúng ta cần tạo dựng được hành lang pháp lý cho văn hóa đọc phát triển.
Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị các kiến thức, kỹ năng đọc, định hướng xu hướng đọc lành mạnh, bổ ích cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu nhi. Các bậc phụ huynh hãy là những tấm gương sáng để con em mình có thói quen yêu sách và đọc sách ngay từ bé, đó là cách tốt nhất để các em được tiếp cận với kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.
Thanh Chi