YênBái – YBĐT – Từ một địa phương chỉ quen với trồng lúa, chè thì nay huyện Văn Chấn còn được coi như miền quê của cây cam, quýt. Vào những ngày giáp tết Nguyên đán đến xã Nghĩa Tâm, Minh An, thị trấn nông trường Trần Phú… nhà nào vườn cũng vàng rực cam, quýt, người mua người bán tấp nập đông vui.
Theo ông Nguyễn Hợp Đoàn – Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn thì hiện nay toàn vùng đã có trên 1 ngàn ha cây cam, quýt sản lượng từ 4.500-5.000 tấn mỗi năm. Từ ngày đưa cây cam, quýt vào trồng đời sống nhân dân trong vùng đã được nâng lên rõ rệt, cái đói cái nghèo đang từng năm khép lại.
Thị trấn nông trường Trần Phú là một minh chứng, từ khi đưa cây cam vào trồng cuộc sống nhân dân khá hẳn lên. Những ngôi nhà xây ngày càng nhiều và có nhiều nhà xây hai ba tầng mang dáng dấp của ngôi biệt thự sang trọng. Ngoài đường xe máy, ô tô chạy tấp nập, chảo thu tín hiệu vệ tinh, giàn ăng ten ti vi hầu như nhà nào cũng có. Số hộ đói đã không còn, hộ nghèo còn chưa đầy chục hộ, ba bốn chục phần trăm hộ nghèo trước đây nay đã trở thành hộ giàu.
Kết thúc kế hoạch năm 2006 thị trấn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch và đáng mừng hơn cả là thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 6 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân trong vùng cam, quýt đã trở thành những triệu phú như: Phạm Đình Việt, Hoàng Văn Thông, Phạm Đình Khôi… Cây cam, quýt rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng này nên diện tích ngày một tăng lên. Từ thực tế sản xuất cho thấy các hộ dân trồng cam đã tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên, cây cam, quýt ở Văn Chấn vẫn chưa phải là đã đạt được hiệu quả kinh tế cao và còn nhiều điều bất cập, đặc biệt là trồng tràn lan, giống chưa được tuyển chọn kỹ dẫn đến tuổi thọ cây ngắn, năng suất thấp, chất lượng quả chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và phục vụ chế biến. Đặc biệt, số cam đã trồng đều do các hộ tự nhân giống bằng phương pháp chiết, ghép nên chất lượng cây kém, cành còi cọc và nhiễm bệnh. Đã có hàng trăm ha đã xuất hiện bệnh Greening, nhiều cây chết và không ra quả hoặc cây ra quả chất lượng rất kém, vị chua, không còn mùi vị đặc trưng.
Mặc dù sản lượng cam, quýt lớn nhưng giá trị thu nhập lại kém, giá một kg cam Văn Chấn chỉ bằng nửa giá các loại cam vùng miền khác. Không chỉ có vậy, năng suất bình quân 1 ha chỉ đạt 500kg quả tươi và bán theo giá thị trường chỉ đạt khoảng 12-13 triệu đồng nên trừ chi phí người trồng chẳng còn lãi là bao.
Giống là khâu cơ bản, quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng, chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua thực tế, người trồng cam ở Văn Chấn đang gặp không ít khó khăn trong khâu tuyển chọn giống, bởi lẽ trên địa bàn toàn huyện thậm chí toàn tỉnh không có một nơi sản xuất cung ứng giống đạt chất lượng phục vụ cho sản xuất.
Để có đủ cây giống cho sản xuất trong nhiều năm qua huyện đã phải đi mua từ ngoại tỉnh và một mặt bà con nông dân tự chiết ghép. Huyện, xã và ngay cả bản thân người trồng cam, quýt cũng không thể kiểm soát chất lượng giống. Người dân trồng cứ trồng cây nào sống thì tốt, khi cây sống rồi lại ngong ngóng đợi ngày ra quả và may mắn thì được cây ra quả thì tốt, còn nếu không may thì công sức ba, bốn năm trồng, chăm sóc sẽ đổ ra sông, ra biển…
Điều mà huyện Văn Chấn lo ngại nhất hiện nay là việc giống không rõ nguồn gốc mà lại nhiễm bệnh không đơm hoa kết trái và còn lây bệnh tới cả vùng cam, quýt thì hậu quả thật khó lường. Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo huyện Văn Chấn cũng như người dân trồng cam là tỉnh đầu tư cho huyện xây dựng một vườn ươm giống cam, quýt đạt tiêu chuẩn để cung ứng giống cho sản xuất. Chỉ khi nào xây dựng một vườn ươm giống đảm bảo các tiêu chuẩn thì sản xuất cam, quýt Văn Chấn mới thực sự có hiệu quả mang tính bền vững. Nếu không, cứ để tình trạng trồng tự phát như hiện nay thì vùng cam quýt chắc chắn sẽ lụi bại trong một tương lai không xa.
Thanh Phúc