YBĐT – Trong những ngày qua, các cơ quan đơn vị, địa phương trên địa bàn đang tiến hành đợt học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Có thể nói, việc tổ chức học tập nghị quyết đã được triển khai tích cực, trước hết là ở các cơ quan, ban ngành của tỉnh, các Đảng bộ huyện, thị, thành phố. Tiếp đến là Đảng bộ cơ sở. Cùng với công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, việc cán bộ, đảng viên gương mẫu, nghiêm túc học tập, nghiên cứu nghị quyết được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi đây chính là những nhân tố giúp cho những nội dung cơ bản của nghị quyết đến với các tầng lớp nhân dân và đi vào thực tiễn cuộc sống.
Vấn đề đặt ra là: việc tổ chức nghiên cứu quán triệt nghị quyết của Đảng như thế nào cho có hiệu quả? Làm sao để sau đợt sinh hoạt chính trị này, tinh thần Nghị quyết phải có ở trong mỗi cán bộ, đảng viên. Một trong những hạn chế, yếu kém mà Đảng bộ tỉnh thẳng thắn chỉ ra tại Đại hội XVII là: “Việc quán triệt một số chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh ở một số cấp, ngành, địa phương, cơ sở chưa sâu sắc nên việc cụ thể hóa, xây dựng chương trình hành động còn hạn chế…”.
Hạn chế, yếu kém này đặt ra cho công tác tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng thế nào cho hiệu quả nhất. Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức học tập nghị quyết phải được đảm bảo, cùng với đó là sự đổi mới cách truyền đạt nghị quyết của các báo cáo viên. Hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết cần tính đến đặc điểm đối tượng tiếp nhận; vấn đề gì trong nghị quyết thì truyền đạt cho đối tượng nào là phù hợp…
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất lại thuộc về thái độ tiếp nhận của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức bởi đây đó vẫn còn tình trạng: ở trên báo cáo viên nhiệt tình truyền đạt, ở dưới người nghe nhiệt tình “trao đổi”. Họ thầm thì, ghé vào tai nhau mà “thảo luận”, làm việc riêng thậm chí chẳng cần ý tứ vì ngồi ở dãy cuối, yên chí vì chẳng sợ ai nhắc nhở. Có khi hội trường ghi nhận cả tiếng bấm móng tay tách tách, giở báo đọc sột soạt, quay ngang quay dọc… rất thiếu nghiêm túc và chắc chắn chẳng có dòng nghị quyết nào vào được trong đầu những người đi học “cho đủ thành phần” như thế!
Nếu tình trạng này phổ biến, ắt hiệu quả của việc học tập, quán triệt nghị quyết sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn. Và có thể khi ra khỏi cửa vẫn chỉ biết không hơn một điều: Hôm nay “học nghị quyết”.Và trong các báo cáo hàng năm của các chi, Đảng bộ vẫn tự tin: “…100% cán bộ, đảng viên, công chức được học tập, quán triệt đầy đủ nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước…” mà không nắm được thực chất hiệu quả của việc học nghị quyết tại đơn vị mình trừ những người “đứng mũi”!
Làm thế nào để nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết? Trách nhiệm thuộc về mỗi cán bộ, đảng viên. Phải có ý thức nghiêm túc để làm sao để các chủ trương của Đảng, nội dung nghị quyết luôn có trong mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó trở thành nhận thức chung của các tầng lớp nhân dân và xã hội. Có như vậy, việc thực hiện các mục tiêu mà Đảng bộ đề ra mới giành được những kết quả ngay từ những tháng đầu, năm đầu nghị quyết đi vào cuộc sống.
Minh Quang