YênBái – Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, nhắc chúng ta về những nỗ lực và sự hy sinh to lớn của các cán bộ, nhân viên ngành y tế trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid – 19 trong suốt hai năm qua.
Yên Bái, một thời gian dài là “vùng xanh” của cả nước, Việt Nam cũng là “vùng xanh” một thời gian dài trên bản đồ cấp độ dịch thế giới nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân; quyết tâm của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là nỗ lực của những người nơi tuyến đầu chống dịch, nòng cốt là cán bộ, nhân viên ngành y tế.
Suốt hai năm qua, những “chiến sĩ áo trắng” đã không quản ngại khó khăn và hy sinh để bảo vệ, chăm sóc, cứu sống những người dân mắc Covid – 19; lao vào tâm dịch để “chia lửa” cùng đẩy lùi dịch bệnh. Trước một loại dịch bệnh chưa có tiền lệ, nhân lực dàn mỏng, áp lực cực kỳ lớn, nhiều cán bộ y tế đã hy sinh cả hạnh phúc gia đình, đạo hiếu, thậm chí là tính mạng. Không ít cán bộ y tế từ “tâm dịch” trở về đã mang di chấn lớn về tâm thần.
Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và ngành y tế, Nhà nước ta đã có những chính sách kịp thời để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế trong lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, có nơi trong vùng dịch khốc liệt, không ít cán bộ y tế cơ sở xin nghỉ hoặc bỏ việc bởi áp lực quá lớn, thu nhập và hỗ trợ không đủ cho họ trang trải cuộc sống, cả về vật chất lẫn tinh thần…
Trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, đã có nhiều ý kiến tâm huyết mong muốn Nhà nước có những điều chỉnh về chính sách để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch.
Đơn cử, là chính sách chi trả cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị Covid – 19 lâu dài; cần có một cơ sở pháp lý để các đơn vị y tế tuyển dụng, huy động nguồn nhân lực cơ sở y tế công, y tế tư, tham gia thực hiện tiêm chủng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid – 19; là cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế; là sửa Nghị định 56?NĐ-CP để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp, phải có phụ cấp đặc thù cho công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, cùng với nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực y tế; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; có định hướng đào tạo phù hợp và sẵn sàng ứng phó với những loại dịch mới, chưa có tiền lệ như Covid – 19…
Tri ân những cống hiến, hy sinh của những “chiến sĩ áo trắng” trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là qua hai năm chống “giặc” Covid – 19, việc làm cần thiết là kịp thời điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, có tính chiến lược để những người làm công tác phòng, chống dịch, nhất là cán bộ, nhân viên ngành y tế thực sự có thêm “điểm tựa” vững chắc để yên tâm cống hiến hết mình vì sự nghiệp cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Mạnh Cường