Có thể khẳng định, trong sự phát triển kinh tế – xã hội chung toàn tỉnh, đã có sự đóng góp to lớn của cộng đồng DN. Năm 2017, cộng đồng DN, doanh nhân đóng góp vào ngân sách gần 993 tỷ đồng, chiếm 64% tổng thu cân đối của tỉnh; trong 9 tháng năm 2018, đóng góp ngân sách trên 700 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 35.000 người…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN vẫn còn những tồn tại, hạn chế: đa số DN quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật tay nghề cao; năng lực quản lý điều hành còn hạn chế… dẫn đến quá trình phát triển của các DN sức cạnh tranh yếu, luôn bị động trước sự biến động của thị trường; khả năng liên doanh, liên kết trong SXKD giữa các DN còn yếu kém, chưa gắn kết được lợi ích giữa các bên trong sản xuất, thiếu sự đầu tư về chiều sâu nên vẫn còn tình trạng tranh chấp, gây khó khăn về nguyên liệu, giá và việc tiêu thụ sản phẩm.
Việc xây dựng chiến lược kinh doanh của các DN còn chậm, chưa phù hợp, chưa mạnh dạn đầu tư có chiều sâu vào các lĩnh vực nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Các DN hoạt động trong sản xuất, cung ứng công nghệ cao còn ít; chưa phát triển nhiều DN hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; các DN còn thiếu thông tin về thị trường, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực tổ chức, quản lý còn hạn chế, khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn đầu tư.
Một số dự án đầu tư triển khai còn chậm; một số DN khi thực hiện dự án đầu tư năng lực tài chính yếu; công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, đầu tư dàn trải dẫn đến nhiều dự án chậm hoàn thành hoặc phải ngừng đầu tư gây lãng phí tài nguyên và thiệt hại cho chính DN, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Chất lượng sản phẩm đối với các DN chưa cao, mẫu mã nhiều loại sản phẩm làm ra chưa đảm bảo yếu tố cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các DN trong và ngoài nước; thu nhập của người lao động chưa cao, việc làm chưa ổn định…
Do đó, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, các ngành thì mỗi DN cần có sự đổi mới trong hoạt động quản lý và điều hành; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để xây dựng hướng phát triển cho DN.
Các DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên các quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và định hướng ngành nghề SXKD của mình cho phù hợp; tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực đột phá mà tỉnh có tiềm năng; ưu tiên áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, khoa học – công nghệ hiện đại; từ đó, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN.
Cần tập trung xây dựng văn hóa DN, doanh nhân, xây dựng được thương hiệu, chữ tín, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chủ động đề xuất, trao đổi thông tin và chia sẻ thuận lợi, khó khăn vướng mắc với các ngành, cơ quan, chính quyền nhằm tạo ra sự đồng thuận.
Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp trong đào tạo lao động, xây dựng vùng nguyên liệu, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác giữa các DN để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực liên doanh, liên kết; chủ động phương án SXKD khi tỉnh đang thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực mới như công nghiệp phụ trợ, điện tử, sản xuất chế biến sâu; cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, chia sẻ với chính quyền trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội.
Thanh Tân