YênBái – YBĐT – Thời gian qua, công tác nâng cao chất lượng đoàn viên rất ít được các cấp công đoàn chú ý. Phải chăng hàng năm công đoàn đã có chủ trương công tác xây dựng công đoàn cơ sở (CĐCS) vững mạnh nên công tác này chưa được coi trọng? Hay công đoàn đã buông lỏng công tác này?
Chất lượng đoàn viên có tính quyết định đến chất lượng tổ chức công đoàn. Phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS hiện nay là nội dung công tác lớn của tổ chức công đoàn. Chất lượng người đoàn viên, theo chúng tôi, thể hiện trước hết trong giải quyết các quan hệ: đối với Tổ quốc, xã hội, nhân dân; đối với giai cấp công nhân, với tổ chức và thủ lĩnh công đoàn; đối với bản thân, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ, công tác, với đồng nghiệp, đoàn viên lao động; là niềm tin đối với tổ chức và sự ý thức về quyền dân chủ của mình… và phải được thể hiện bằng hành động trong cuộc sống.
Chất lượng người đoàn viên còn thể hiện cụ thể ở sự ý thức về tôn chỉ, mục đích của tổ chức công đoàn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định; ý thức chấp hành và năng lực thực hiện các quyền, nhiệm vụ người đoàn viên, tính tự giác, tự nguyện tham gia vào các hoạt động do công đoàn tổ chức; có ý thức dân chủ, biết yêu cầu đối với tổ chức công đoàn và có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công đoàn và xã hội; có ý thức tương trợ, đoàn kết, bảo vệ, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của công đoàn và ủng hộ, bảo vệ làm hậu thuẫn cho thủ lĩnh công đoàn trong tiến hành giải quyết các tranh chấp lao động, luôn tin tưởng vào tổ chức và khả năng “đại diện, bảo vệ” của tổ chức công đoàn…
Những nội dung, phẩm chất ấy hiện nay người đoàn viên đã có hay chưa và công đoàn đã thực hiện chức năng của mình “đại diện, bảo vệ” người đoàn viên có hiệu quả chưa? Chất lượng người đoàn viên phải khác người lao động. Đó là, người lao động không có những quyền hạn, trách nhiệm của người đoàn viên, không cần tuân thủ Điều lệ Công đoàn, không được xét, khen thưởng các danh hiệu thi đua, khen thưởng của tổ chức công đoàn và không có nghĩa vụ đóng đoàn phí công đoàn… Còn những quyền lợi khác, người đoàn viên và người lao động không có gì khác nhau vì “người lao động dù chưa là đoàn viên công đoàn cũng có quyền yêu cầu Ban chấp hành công đoàn đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trước tòa án, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan” (Điều 11, Khoản 4, Luật Công đoàn).
Thực tế, mọi hoạt động của công đoàn không phân biệt trong hay ngoài tổ chức mà luôn cần sự tham gia đông đảo của người lao động. Đối với người lao động, nói chung, vấn đề họ quan tâm chính là lợi ích của chính mình, nhất là lợi ích nghề nghiệp, hoạt động nghề nghiệp. Người sử dụng lao động có hiệp hội của giới chủ, người lao động cần phải có tổ chức công đoàn. Nếu người đoàn viên tin tưởng vào công đoàn, công đoàn bảo vệ có hiệu quả các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, danh hiệu đoàn viên công đoàn đối với người lao động là một vinh dự… thì họ sẽ tìm hiểu về công đoàn, tự nguyện, tự giác xin gia nhập tổ chức. Khi đó, qua những thủ tục cần thiết, người lao động sẽ được kết nạp, trở thành đoàn viên công đoàn. Và bước đầu, như vậy, chất lượng người đoàn viên đã khác với người lao động.
Nâng cao chất lượng đoàn viên gắn liền với nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS và tổ chức công đoàn. Muốn vậy, tổ chức công đoàn các cấp phải luôn nâng cao chất lượng. Mọi chủ trương công tác công đoàn phải xuất phát từ lợi ích của đoàn viên và người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường hội nhập, cạnh tranh hiện nay; biết tổ chức cho người đoàn viên – người lao động thực hiện, phát huy quyền dân chủ; biết yêu cầu, kiến nghị, kiểm tra, giám sát các hoạt động của công đoàn và sự thi hành pháp luật lao động tại cơ sở; thực hiện tốt quan hệ lao động tại doanh nghiệp và đại diện, bảo vệ người đoàn viên, công nhân lao động có hiệu quả; thực hiện tốt công tác khiếu nại, tố cáo, đáp ứng tốt những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động…
Sức mạnh và sự vững mạnh của công đoàn được thể hiện qua hoạt động, bằng hành động, bằng khả năng đoàn kết, tập hợp, tổ chức có hiệu quả các hoạt động phong trào với nhiều biện pháp, hình thức, tổ chức sinh động, thiết thực, linh hoạt, sáng tạo, lôi cuốn đông đảo đoàn viên, công nhân lao động tham gia.
Hiện nay, để góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đoàn viên, công đoàn cần xác định đó chính là công tác đoàn viên: phát triển, quản lý, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đoàn viên; phát huy vai trò, trách nhiệm đoàn viên; thông tin hoạt động đến đoàn viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên; đại diện, bảo vệ hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của đoàn viên… Nhưng nếu chỉ phát triển đoàn viên về số lượng mà không chú ý chất lượng thì cũng chưa thể trở thành một lực lượng vững mạnh cả về con người và tổ chức. Và như vậy, hoạt động công đoàn sẽ có những khó khăn, không năng động, không kịp thời đáp ứng những yêu cầu bức thiết của người lao động và tổ chức công đoàn trong tình hình nhiệm vụ mới hiện nay.
Đặng Thị Kim Chi