Giao thông được ví như mạch máu thông suốt của “cơ thể” đất nước. Đầu tư cho giao thông đường bộ là khoản đầu tư lớn trong đầu tư công. Để cho “mạch máu” thông suốt, con đường êm thuận, mỗi năm Nhà nước lại đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho công tác quản lý, duy tu, sửa chữa.
Thế nhưng, đã thành quen, khi đi trên những tuyến đường, con đường, đoạn đường xuống cấp, hư hỏng người ta thường đặt câu hỏi về chất lượng thi công mà ít nói đến căn nguyên là chất lượng, hiệu quả đầu tư, quản lý bảo trì đường bộ.
Hãy nói về đầu tư, hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm được “rót” xuống những tuyến đường, con số khá lớn trong cân đối ngân sách đầu tư công nhưng lại nhỏ nhoi so với nhu cầu. Thực tế cho thấy, riêng tuyến quốc lộ, bình quân mỗi năm (từ 2008 – 2011) được cấp khoảng 2.400 tỷ đồng; vốn bảo trì cấp 1km quốc lộ 137 triệu đồng/năm, trong đó sửa chữa thường xuyên khoảng 35 triệu đồng, đáp ứng trên 50% nhu cầu vốn. Hoặc năm 2013, nhu cầu vốn kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ cả nước khoảng 11.000 tỷ đồng, tổng kinh phí đưa vào Quỹ bảo trì đường bộ chỉ trên 4.400 tỷ đồng.
Với Yên Bái – tỉnh miền núi có 4 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài trên 375 km thường xuyên bị tác động tiêu cực do thời tiết, địa hình, độ dốc… khiến nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn, nhưng năm 2013 tổng vốn được cấp cho 290 km quốc lộ là 14,5 tỷ đồng, trong khi nhu cầu thực tế là 58 tỷ đồng.
Đồng vốn là quan trọng, không có vốn thì rất khó khăn nhưng câu chuyện về đường bộ hiện nay còn có nguyên nhân do chính cơ chế, phương thức quản lý, bảo trì đường bộ. Đã một thời gian dài, công tác quản lý bảo trì đường bộ được thực hiện theo kế hoạch, dẫn đến nhiều nơi việc xây dựng kế hoạch chưa sát thực tế, thiếu hệ thống tiêu chí chất lượng nên việc kiểm tra, kiểm soát, nghiệm thu, thanh toán thiếu chặt chẽ. Cách làm khá phổ biến hiện nay là hỏng đâu sửa đấy, đi tắt quy trình kỹ thuật do thiếu vốn, chậm thông tin.
Đáng quan tâm là thiếu cơ chế quản lý đường bộ mang tính đặc thù, do vậy chưa khuyến khích sự chủ động của người lao động trong quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ khiến đồng vốn đầu tư bảo trì của Nhà nước ít hiệu quả, chất lượng đường bộ nhiều nơi xuống cấp, hư hỏng gia tăng, có nơi gây bức xúc trong dư luận.
Bố trí đủ vốn cho giao thông là đòi hỏi cấp thiết nhưng phải phụ thuộc vào cân đối ngân sách, do vậy chưa thể giải quyết tức thì. Vấn đề đặt ra là cần đổi mới cung cách quản lý, bảo trì bắt đầu từ đổi mới xây dựng kế hoạch quản lý, bảo trì; phương thức thực hiện hợp đồng quản lý, duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiêu chí và chất lượng thực hiện; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát các hợp đồng gắn với tăng cường quản lý, kiểm soát tải trọng xe, quản lý hành lang đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Gần đây, công tác quản lý, bảo trì, trong đó có Yên Bái đang thực hiện theo phương thức đặt hàng; sửa chữa định kỳ tuân thủ chặt chẽ các trình tự, thủ tục về đầu tư như các công trình xây dựng cơ bản. Đó là một bước chuyển, nhưng để tiến tới đấu thầu rộng rãi bảo trì quốc lộ (trừ trường hợp được phép đặt hàng hoặc giao kế hoạch theo quy định), cần có sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, sự chủ động hơn nữa của các đơn vị quản lý đường bộ.
Tuấn Anh