YênBái – Để khởi nghiệp thành công trong điều kiện hiện nay, thanh niên phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí là thất bại. Vì vậy, để tạo động lực, bước đà cho thanh niên khởi nghiệp, cấp ủy chính quyền, nhất là các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn, vươn tới tương lai.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên về mọi mặt, như: học tập, nghề nghiệp, việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần…; trong đó, hỗ trợ khởi nghiệp là một vấn đề được đặc biệt coi trọng. Cùng đó, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tích cực đổi mới các nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp thanh niên, làm tốt vai trò “cầu nối” giúp thanh niên tiếp cận nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp; thường xuyên chăm lo, hỗ trợ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên.
Nhờ vậy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên diễn ra rất sôi nổi, đạt nhiều kết quả. Nhiều dự án khởi nghiệp được hình thành, triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên thường phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng.
Thực tế, một số thanh niên muốn khởi nghiệp rất cần vốn, họ phải huy động vốn hoặc vay vốn từ gia đình của chính họ với số tiền không dưới trăm triệu đồng. Trong trường hợp mô hình khởi nghiệp thành công thì rất đáng mừng. Nhưng nếu thất bại, các chủ nhân dự án khởi nghiệp không chỉ rơi vào nợ nần mà có thể mang trong mình những tâm lý trầm cảm, chán chường và trở thành gánh nặng cho những người thân trong gia đình…
Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thời gian tới đạt được nhiều kết quả thiết thực, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp bộ Đoàn, hội tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; có những bổ sung về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hình thành và phát triển; chủ động bổ sung các cơ chế liên quan đến việc hỗ trợ vốn, tận dụng nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm; tập trung phát huy trách nhiệm trong hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế phù hợp với hoàn cảnh cá nhân và tình hình, đặc điểm địa phương; xây dựng lực lượng thanh niên dẫn đầu trong phong trào khởi nghiệp; chú trọng ưu tiên các nhóm đối tượng đã được xác định là trung tâm nhằm tạo ra những mô hình tốt, điển hình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Cùng đó, bản thân mỗi thanh niên phải xác định rõ và luôn nỗ lực không ngừng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn tới thành công. Các tổ chức Đoàn, hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho thanh niên; tạo ra động lực mới, khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của thanh niên trong khởi nghiệp; đồng thời, định hướng giúp thanh niên nhận thức rõ bối cảnh, điều kiện và xu hướng hiện nay; giúp thanh niên dần thích ứng với nhu cầu thị trường lao động mới; đồng hành với thanh niên trên bước đường khởi nghiệp để hỗ trợ họ những vấn đề đang thiếu và yếu, như: Kiến thức, kỹ năng, thông tin, thị trường…
Chủ động làm tốt hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa thanh niên với các doanh nghiệp, các công ty tuyển dụng để tăng cơ hội việc làm, cơ hội lập thân, lập nghiệp cho thanh niên. Tổ chức nhiều chương trình thiết thực, bổ ích lôi cuốn thanh niên tham gia; qua đó, vừa giáo dục, tuyên truyền vừa để thanh niên có thêm những cơ hội để khám phá, khẳng định bản thân, trải nghiệm thực tiễn.
Văn Dương