YBĐT – Tình hình dịch bệnh mùa hè trong nước đang diễn ra phức tạp: từ đầu năm đến nay, ở Hà Nội và một số địa phương trong cả nước đã phát hiện bệnh nhân cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, sốt xuất huyết… và bệnh tả, trong đó có những dịch bệnh Yên Bái đã mắc trong năm 2009. Nhưng ở thời điểm này xem ra công tác phòng chống dịch, bệnh mùa hè ở các địa phương vẫn “bình chân như vại”!
Điều đáng cảnh báo là cũng vào những ngày hè thế này năm ngoái, sau ca tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả đầu tiên xuất hiện ở thôn Bản Sẻ, xã Sơn Lương (Văn Chấn) sau khi đi Hà Nội ăn thịt chó, mắm tôm trở về; ở thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn (cũng tại huyện Văn Chấn) tiếp tục xuất hiện ca thứ 2. Ngay sau đó đồng loạt ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp với con số lên tới 322 ca, trong đó có cả tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả. Sau 20 ngày khoanh vùng dập dịch, các ổ dịch đã chấm dứt.
Nhưng chỉ bình yên ít tháng, cuối tháng 9/2009 Yên Bái lại xuất hiện ca cúm A/H1N1 đầu tiên tại Trường trung học phổ thông Cát Thịnh (Văn Chấn). Cúm A/H1N1 hoành hành ở rất nhiều trường học và khu dân cư ở các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái đến các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, Trạm Tấu…, hàng nghìn người đã mắc cúm trong đó có cúm A. Các ca nghi cúm A/H1N1 đã được ngành y tế xét nghiệm tại Yên Bái, tích cực điều trị và giám sát. Khu vực nghi có cúm A/H1N1 được khoanh vùng tiêu độc khử trùng kịp thời nên dịch đã được dập tắt.
Thực tế trên cho thấy, công tác phòng chống dịch bệnh không thể lơ là. Mầm bệnh tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả, cúm A/H1N1 ở các ổ dịch cũ luôn có nguy cơ tái phát. Đặc biệt hiện nay, một số tỉnh nhất là Hà Nội không xa Yên Bái là mấy đã xuất hiện các loại dịch cúm nguy hiểm ở người, đặc biệt là tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả nên dịch có thể đến Yên Bái bất kỳ lúc nào. Nhưng vào thời điểm này, công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là các xã, phường ít nơi triển khai khẩn trương như năm ngoái. Tồn tại này cũng đã bộc lộ rõ qua hai đợt phòng chống dịch nguy hiểm ở người năm ngoái. Công trình vệ sinh của người dân mãi khi có dịch tả mới phát động làm, khi hết dịch lại… như cũ! Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch chưa được tiến hành sâu rộng tới từng hộ dân.
Thành công lớn của công tác phòng, chống dịch năm trước của Yên Bái là chủ động diễn tập phòng, chống; sẵn sàng cơ chế thuốc, vật tư y tế; tuyên truyền sâu rộng; giám sát chặt chẽ từ ca dịch đầu tiên; nâng cao trình độ cho cán bộ y tế phòng, chống dịch… Để phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm nay một cách hiệu quả, phát huy bài học thành công của năm ngoái, ngành y tế cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và cơ sở triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp khẩn trương phòng chống dịch tập trung vào các nội dung: kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cụ thể cho riêng mình.
Bên cạnh đó, các địa phương nhất là các vùng đã từng có dịch tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tích cực xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế, nhất là rửa tay trước khi ăn, không ăn rau sống, tiết canh… giúp nhân dân hiểu, phối hợp với ngành y tế làm tốt công tác này. Ngành y tế tiếp tục tổ chức tập huấn, đào tạo lại kiến thức phòng chống dịch bệnh mùa hè, nhất là dịch tả, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; sẵn sàng cơ sở vật chất y tế, thuốc men, hóa chất… với quyết tâm giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, kịp thời khi có dịch, có biện pháp khống chế dập tắt không để lây lan rộng. Tinh thần chủ động phải đặt lên cao nhất, không để xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy” gây ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.
Minh Đức