YBĐT – Câu chuyện Trung Quốc nhập chè “vàng”, chè “bẩn” để làm gì chưa có câu trả lời nhưng sau đó trên mạng Internet xuất hiện cảnh họ thiêu hủy chè “bẩn” “Made in” Việt Nam khiến ta không khỏi đau lòng tự trách, cả thế giới biết ai còn dám mua chè của mình!
Cách đây hơn chục năm, mọi người đều biết tới chuyện ở các tỉnh vùng biên giới phía Bắc xuất hiện những người đi thu mua móng trâu, sừng trâu với giá rất cao. Tiếp đó, ở một số tỉnh có cây hồi, một loại cây lấy hoa làm dược liệu và gia vị cho món ăn (chủ yếu có ở Lạng Sơn) dậy lên chuyện tư thương mua rễ hồi.
Vì cái lợi trước mắt, người dân đi lùng, kiếm, đi đào… để bán. Ban đầu, người ta mua trâu để mổ lấy sừng và móng, sau không mua được còn xảy ra cả tình trạng trộm trâu. Rễ các cây hồi trong đồi nhà thì tỉa đem bán cho tư thương. Không ít nhà từ việc thu mua rễ hồi mà bị trộm đào tỉa rễ khiến nhiều cây hồi đã chết hoặc thui chột không ra hoa; còn trâu ở một số vùng giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ tới sức kéo phục vụ sản xuất. Rồi sau đó không lâu lại rộ lên chuyện thu mua mèo bán sang Trung Quốc những năm 1990.
Ở Yên Bái, mèo nuôi trong nhà đều phải xích như nuôi chó bởi cứ thả ra là mất. Khoảng thời gian ấy, chuột thỏa sức hoành hành. Rồi còn thêm việc thu mua bao tử ngô, râu ngô. Cách đây không lâu, tư thương còn trưng mua cả lá vải thiều khô ở các vùng vải lớn trong nước, người dân thi nhau thu gom, thậm chí hái cả lá tươi phơi bán. Hậu quả là mỗi hộ lẽ ra có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng thì chỉ vì vài triệu đồng tiền bán lá mà mất đi mùa quả bội thu.
Mới đây, ở các tỉnh phía Nam lại rộ lên chuyện tư thương mua lá cây điều khô. Người dân lại được dịp đua nhau gom nhặt lá điều. Có hộ còn phun thuốc diệt cỏ lên cây cho lá héo để thu bán cho tư thương. Theo các nhà khoa học, việc thu hoạch lá điều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây do mất độ mùn của đất cũng như giảm độ che phủ làm bay hơi nước. Thực tế lá điều khô để làm gì cũng chưa có câu trả lời.
Ở Yên Bái cũng xuất phát từ nguyên nhân tư thương thu mua chè với giá cao hơn doanh nghiệp dẫn tới nạn chè “vàng”, chè “bẩn”, doanh nghiệp lao đao do không mua được chè búp tươi trong dân thiếu nguyên liệu phải đóng cửa. Chè được thu mua giá cao, dường như không cần phân loại nên người dân còn dùng cả liềm “gặt”chè ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, phẩm cấp ở lần thu hoạch sau.
Câu chuyện Trung Quốc nhập chè “vàng”, chè “bẩn” để làm gì chưa có câu trả lời nhưng sau đó trên mạng Internet xuất hiện cảnh họ thiêu hủy chè “bẩn” “Made in” Việt Nam khiến ta không khỏi đau lòng tự trách, cả thế giới biết ai còn dám mua chè của mình!
Chuyện trưng mua các loại phụ phẩm, sản phẩm nông, lâm sản một cách khó hiểu sẽ còn tiếp diễn. Các cụ ta xưa có câu “Tham bát, bỏ mâm”. Hy vọng những hậu quả thiệt hại trước đây do thiếu cảnh giác, thu gom bán các sản phẩm phụ phẩm, sản phẩm nông, lâm sản cho tư thương sẽ là bài học đắt giá để mỗi người dân cân nhắc khi có những hiện tượng lạ.
Đào Minh