YênBái – YBĐT – Chưa bao giờ giá chè búp tươi lại cao như thời điểm này: bình quân từ 4.500-5.000 đồng/kg, gần gấp ba năm 2006. Cuộc sống người làm chè khấm khá nhưng các doanh nghiệp chè điêu đứng vì không giữ được nguyên liệu và thu mua nguyên liệu trong dân. Một “cuộc chiến” nguyên liệu mới lại bắt đầu mà phần thua đã thuộc về các doanh nghiệp. Tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp chè có nguy cơ phá sản!
Nông dân cười!
Hàng vạn hộ nông dân làm chè Yên Bái phấn khởi bởi giá chè cao ngất ngưởng, từ 4.000 – 5.000 đồng/kg búp tươi. Mức giá này khiến những hộ nông dân đã “trót” chặt phá hoặc không chăm sóc chè tiếc ngẩn ngơ. Suốt hai tháng nay, đội quân thu mua tỏa về khắp các vùng chè mua gom từng kilôgam búp, chất lượng chè đòi hỏi không cao, phương thức thanh toán “tiền tươi”. Nhà nhà, người người đổ xô lên đồi đầu tư thâm canh, thu hái triệt để bán cho tư thương. Bà Nguyễn Thị Thu, xã Việt Cường đã có thâm niên làm chè trên 30 năm nay phấn khởi nói: “Đầu vụ chè giá thu mua của các nhà máy từ 1.800-2.000 đồng/kg, bà con nông dân đã phấn khởi lắm rồi. Nhưng từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, tư thương ở các vùng đổ xô về đây mua nguyên liệu để sản xuất “chè vàng” bán cho thị trường Trung Quốc, búp loại xấu cũng được trên 4.000 đồng, còn loại tốt là 5.000 đồng/kg búp, có bao nhiêu họ thu mua hết. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hái được 1 tấn búp tươi, thu 5 triệu đồng bằng gần cả vụ chè năm 2006 và gấp đôi năm 2005. Giá cứ cao như thế này thì từ nay đến cuối vụ 1 ha chè đầu tư thâm canh tốt thu không dưới 10 tấn thì cũng được 50 triệu đồng, con số mà cả cuộc đời làm chè của tôi không dám nghĩ tới…”
Hai tháng qua, gia đình bà Nguyễn Thị Thu (Việt Cường – Trấn Yên) đã hái bán 1 tấn búp tươi, thu về 5 triệu đồng. |
Giá chè cao làm cho cả vùng chè Việt Cường, Vân Hội (Trấn Yên) như sôi động hơn. Tiếng cười, tiếng nói râm ran cả vùng đồi, từng chiếc xe máy, ô tô tải hạng nhẹ chở đầy nguyên liệu đưa về các “lò chè” thủ công. Rời vùng chè Việt Cường, chúng tôi đến vùng chè Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm, Trần Phú (Văn Chấn). Không khí vui tươi, phấn khởi của người dân trồng chè được hiện rõ trên từng khuôn mặt với những nụ cười rạng rỡ. Bác Hải ở thị trấn Nông trường Trần Phú đang hái chè trên đồi, phấn khởi nói: “Chè búp giá cao bình quân 4.500 đồng/kg búp tươi, cơ chế thu mua thông thoáng, tiền mặt mua lại trả ngay, nông dân chúng tôi phấn khởi lắm. Làm 1 ha chè mỗi năm cũng cho thu 40-45 triệu đồng, trừ chi phí còn thu hơn 30 triệu, tuy chưa giầu nhưng cuộc sống cũng ổn định hơn”.
Doanh nghiệp… khóc!
Trái ngược với niềm vui, vẻ tất bật, nhộn nhịp của bà con nông dân làm chè, không khí ở các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè lại khá ảm đạm.
Tại Công ty Chè Việt Cường (Trấn Yên), xưởng sản xuất chè đen vẫn… đóng cửa. Ông Trần Thuyết – Phó giám đốc Công ty buồn rầu nói: “Năm nay, kế hoạch Công ty đề ra là sản xuất 650 tấn chè đen, chè xanh thành phẩm. Nhưng đã một tháng nay giá thu mua nguyên liệu chè trong vùng dân cao quá, dao động từ 4.500-5.000 đồng/kg búp tươi, Công ty cũng đã nâng giá thu mua lên tới 2.500 đồng/kg, song vẫn không lại được với tư thương. Không chỉ không thu mua được mà các tư thương, doanh nghiệp khác còn vào cả vùng nguyên liệu của nhà máy để mua tranh nguyên liệu. Công ty đã phải cử cán bộ, bảo vệ, các đội sản xuất nông nghiệp ra tận chân đồi chè để “canh” mà vẫn thất thoát một lượng lớn nguyên liệu. Từ đầu vụ mới sản xuất được 172 tấn nguyên liệu, bằng 50% so cùng kỳ; mua trong dân thì từ tháng 4 đến nay không được một kg nào. Với giá thu mua như hiện nay thì công ty không thể cạnh tranh được với tư thương, bởi với mức giá 2.500đ/kg là đã vượt quá khả năng rồi. Chỉ riêng việc lo giữ 300 ha chè của mình để không lọt nguyên liệu ra ngoài đã là khó khăn. Không mua được nguyên liệu, nhà máy sản xuất cầm chừng nhờ vào lượng chè tự sản xuất, công nhân thiếu việc làm, thu nhập thấp đi”.
Trong cơ chế thị trường mà doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh thì cái gì đến nó phải đến. Tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất ở Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn… cũng vậy. Ông Phạm Văn Tú – Phó giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cho biết: “Trong hơn một tháng đổ lại đây, Công ty luôn sản xuất trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Ngoài diện tích chè hiện có, Công ty còn phải cạnh tranh thu mua nguyên liệu với các thành phần kinh tế khác, nhất là với các lò quay tay. Giá thu mua liên tục được điều chỉnh lên, Công ty chấp nhận cạnh tranh và hiện tại giá thu mua đang ở mức 3.500 – 4.000 đồng/kg búp tươi, vậy mà mỗi ngày cũng chỉ được 1-2 tấn”. Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ cũng nâng mức giá thu mua tới 4.000 đồng, song thu mua cũng không đáp ứng được cho chế biến…
Giá chè búp lên cao, người nông dân phấn khởi còn doanh nghiệp thì lao đao. Không biết đó là tín hiệu vui hay buồn với ngành chè Yên Bái?
Thanh Phúc