YBĐT – Trong những năm qua, đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt, có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh tại địa phương.
Bên cạnh kết quả đã đạt được cũng phải thẳng thắn thừa nhận, đội ngũ này trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế, số lượng vẫn còn ít, tỷ lệ có trình độ sau đại học còn thấp, số lượng trí thức trẻ tham gia nghiên cứu khoa học chưa nhiều, một bộ phận không nhỏ trí thức hạn chế về trình độ ngoại ngữ, tin học, chưa đủ khả năng tiếp cận, làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại… và chưa đồng đều ở các ngành.
Hiện nay trí thức chủ yếu tập trung ở ngành giáo dục: 60%, y tế 14%; khối Đảng, đoàn thể chiếm 9,3%; khối các ngành kinh tế, văn hóa chiếm 16,7%, song phần lớn số này nằm ở các trung tâm đào tạo.
Bên cạnh đó, do công tác tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trẻ chưa hợp lý, hiệu quả nên chưa phát hiện kịp thời và nhân điển hình gương trí thức trẻ giỏi, tiêu biểu có nhiều đóng góp cho xã hội. Vì nhiều nguyên nhân, hằng năm dù có khoảng 2.500 sinh viên là con em các dân tộc trong tỉnh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng song số về công tác tại địa phương chiếm tỷ lệ rất thấp, phần đông các em sau khi tốt nghiệp đại học đều ở lại các thành phố lớn, một số em vì hoàn cảnh gia đình mới về quê nhà…
Từ đó, kết quả cụ thể biểu hiện sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 04 – NQ/TU ngày 12/9/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cả thu hút và khuyến khích đào tạo mới được 869 người, trong đó thu hút 64 người, tỷ lệ rất nhỏ so với số sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm. Đối tượng được thu hút tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục – 52 đối tượng, chiếm 81,25%; một số ngành trọng điểm không thu hút được như: công nghệ thông tin, y tế, thương mại và du lịch, xây dựng, giao thông, tài nguyên – môi trường…
Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân ở những chính sách thu hút trí thức về công tác tại tỉnh đã có nhưng còn nhiều điểm chưa thực sự phù hợp. Ví dụ như thạc sỹ mức hỗ trợ một lần là 45 triệu đồng, trong khi đó, bác sỹ chuyên khoa cấp II chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng.
Nếu so sánh với một số tỉnh trong cả nước thì chính sách này chưa đủ hấp dẫn. Đơn cử như tỉnh Lào Cai đối tượng thu hút bác sỹ chuyên khoa cấp II áp dụng mức hỗ trợ một lần là 150 triệu đồng, tỉnh Quảng Ngãi là 300 đến 350 triệu đồng… Chưa nói đến kể cả đã có chính sách tiếp nhận thu hút thì số này rất khó vào được các cơ quan Nhà nước do biên chế của các cơ quan không tăng.
Trước yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, để đạt được mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực vào năm 2020 thì vấn đề quan trọng hàng đầu là nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng tư duy độc lập, làm chủ khoa học công nghệ và cân đối giữa các ngành cũng như nhu cầu của địa phương.
Trong đó, tập trung phát triển đội ngũ trí thức trẻ, là nguồn kế cận bổ sung cho đội ngũ trí thức tỉnh nhà trong tương lai, góp phần vào sự phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu chung của tỉnh là vấn đề cần được đặt ra cấp thiết.
Cùng với các đề án phát triển nhân lực của các ngành giáo dục, y tế…, Đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp tập hợp và phát huy đội ngũ sinh viên, trí thức trẻ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020” do Tỉnh đoàn thực hiện từ tháng 5/2013 cũng đã mở ra hướng mới. Trong đó, với mục tiêu và cách làm như ý kiến của thủ lĩnh Đoàn Yên Bái, đó là: Yên Bái đang có lượng trí thức đông đảo đang sinh sống, học tập tại tỉnh và các thành phố lớn.
Vì vậy cần điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng đội ngũ sinh viên, trí thức trẻ của tỉnh hiện có để từ đó có những giải pháp tập hợp đội ngũ này vào các hội đồng hương, hội nghề nghiệp nhằm thu hút trí thức về đóng góp trí tuệ phục vụ quê hương.
Cùng đẩy mạnh thông tin chính sách thu hút của tỉnh, nâng chính sách đãi ngộ với trí thức về tỉnh công tác ngang bằng và cao hơn các địa phương trong khu vực, khi đã thu hút trí thức về công tác rồi cần tạo môi trường thuận lợi cho trí thức có cơ hội cống hiến… Nếu làm tốt các giải pháp trên bài toán “nhân lực” hiện nay của Yên Bái sẽ có lời giải!
Thiên Cầm