YênBái – YBĐT – Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái khá đa dạng và phong phú về chủng loại, là tiềm năng thế mạnh trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên phần lớn có trữ lượng nhỏ, nằm phân tán, điều tra về địa chất còn hạn chế.
Để có chiến lược phát triển, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, tỉnh Yên Bái đã có quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến đá vôi trắng Lục Yên giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến 2015; quy hoạch về quặng sắt… đã được Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản ở gần 100 điểm mỏ với giá trị sản xuất năm 2006 đạt 313,165 tỷ đồng, chiếm 26,1% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân 2000 – 2006 đạt 22,35%/năm; cơ cấu kinh tế trong ngành công nghiệp có sự chuyển biến rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động.
Tuy nhiên, gần đây số lượng mỏ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản có tăng nhanh, nhưng chưa có chiều sâu và phát triển chưa thực sự bền vững. Sản lượng của các mỏ đạt thấp, giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp ngân sách tăng không đáng kể, vẫn còn để lãng phí tài nguyên.
Trong hoạt động khai thác đá hoa trắng, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác và gia hạn 3 mỏ, công suất thiết kế mỏ 42.000m3/năm, 10 mỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thăm dò, đánh giá trữ lượng và đang làm thủ tục cấp phép. Các doanh nghiệp khai thác đá hoa trắng hiện nay sử dụng công nghệ cắt khối block bằng dây kim cương nên có hiệu suất và chất lượng sản phẩm tốt.
Song, qua thực tế cho thấy các nhà đầu tư hiện nay chủ yếu quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận, sản phẩm chủ yếu là đá block, các sản phẩm khác chưa được tận thu và có hướng xử lý, gây lãng phí tài nguyên.
Qua kết quả kiểm tra thực tế các đơn vị khai thác đá block trên địa bàn cho thấy: tỷ lệ thu hồi đá block đạt 10 – 15%/tổng sản lượng khai thác, đá xẻ đạt khoảng 10 – 20%/tổng sản lượng khai thác, đá cục nghiền làm khoáng chất công nghiệp đạt khoảng 20 – 25%/tổng sản lượng khai thác, khoảng 30 – 40% khối lượng còn lại là đá vụn, đá bìa, đá bán phong hóa có giá trị sản xuất công nghiệp thấp, chưa có hướng xử lý.
Khai thác đá trắng tại Lục Yên. (Ảnh: Thành Trung) |
Trong khai thác đá vôi trắng làm khoáng chất công nghiệp, hiện tại có 6 mỏ đang hoạt động do Bộ Công nghiệp và Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép, công suất thiết kế khai thác 1.574.000m3/năm; khai thác theo phương pháp lộ thiên, cơ giới kết hợp với thủ công, quy mô công nghiệp.
Các sản phẩm khai thác sử dụng làm khoáng chất công nghiệp và sản xuất xi măng; các đơn vị hiện đang khai thác và chế biến đã đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại của Đức, Tây Ban Nha, Italia, Trung Quốc… tỷ lệ thu hồi sản phẩm đạt cao, tiết kiệm được nguồn tài nguyên, hiệu quả kinh tế, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Tỷ lệ thu hồi đá vôi trắng cho sản xuất khoáng chất công nghiệp đạt khoảng 44%/tổng sản lượng khai thác, đá vôi trắng cho sản xuất xi măng đạt 35%/tổng sản lượng khai thác.
Khoáng sản là nguồn tài nguyên đặc biệt không thể tái tạo lại được. Để sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý, có hiệu quả, tránh lãng phí thất thoát, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Đó là:
Các nhà đầu tư cần phải thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy phạm trong quá trình khai thác và chế biến khoáng sản; các phương án thi công phải đúng với thiết kế kỹ thuật. Trước khi tiến hành khai thác, các chủ dự án phải thực hiện đúng quy trình về khai thác mỏ, trình thiết kế kỹ thuật thi công về các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng quy định.
Đối với các mỏ đã được cấp phép khai thác và những mỏ xin cấp phép khai thác mới mà chưa được thăm dò đánh giá trữ lượng (trữ lượng mới ở cấp dự báo theo các tài liệu tìm kiếm trước đây, có mức độ tin cậy không cao), cần được thăm dò, đánh giá lại trữ lượng và lập thiết kế khai thác (hoặc phương án thi công đối với các mỏ nhỏ, mỏ khai thác tận thu)… như vậy mới xác định đúng trữ lượng để các nhà đầu tư có cơ sở hoạch định quy mô khai thác và đầu tư hợp lý. Trong quá trình thi công, khai thác phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, tiết kiệm tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Tập trung đẩy nhanh công tác triển khai xây dựng và hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, dành quỹ đất cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư.
ối với các mỏ đã được cấp giấy phép hoạt động, nhưng quá thời gian theo quy định mà không tiến hành đầu tư hoặc vi phạm các quy định trong Luật Khoáng sản và các quy định khác của địa phương… nên có biện pháp thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản và chấp thuận đầu tư để cấp cho các nhà đầu tư khác có năng lực tiếp tục thực hiện.
Định kỳ kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản để hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị thực hiện theo đúng quy định; kịp thời xử lý các vướng mắc, sai phạm. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản.
Vũ Khánh – Hùng Thịnh