YBĐT – Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách, dự án đầu tư, áp dụng KHKT vào sản xuất, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng và các tiến bộ kỹ thuật về giống nên năng suất đã tăng từ 74 tạ/ha năm 1995 lên 95 tạ năm 2006.
Là tỉnh có diện tích trồng lúa, cây lương thực khác chưa đầy 29 ngàn ha, do vậy, để đáp ứng đủ lương thực cho gần 80 vạn dân là một áp lực rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sau nhiều năm có tốc độ tăng mạnh thì một, hai năm trở lại đây tốc độ tăng về năng suất đã chững lại. Nguyên nhân là bà con nông dân trong tỉnh chưa thực sự coi trọng, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác.
Đảm bảo an ninh lương thực, tăng năng suất, giá trị trên mỗi ha canh tác luôn là vấn đề trăn trở của tỉnh, vụ mùa 2007, ngành nông nghiệp xây dựng Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm”. Đây là dự án ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và canh tác đạt năng suất 250 kg thóc/sào (7 tấn/ha), giá thành sản xuất giảm 20-25% đồng thời đảm bảo cơ cấu luân canh 3 vụ/năm.
Dự án đã được thực hiện trên diện tích 5 ha thuộc xã An Thịnh (Văn Yên) với 5 hộ nông dân tham gia. Mô hình sản xuất áp dụng đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật; sử dụng giống lai tiến bộ có năng suất, chất lượng cao; cấy mạ non với mật độ hợp lý; sử dụng phân nén dúi sâu và tăng lượng phân hữu cơ; phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng (đúng sâu, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm).
Trong quá trình thực hiện, áp dụng khung thời vụ như đối với trà lúa mùa sớm, về sử dụng giống Nghi hương 2308, Tiên ưu 95, Nhị ưu 69, SYN6. Làm mạ theo phương thức gieo mạ dày xúc và cấy khi mạ có 2-2,2 lá, khi cấy áp dụng cấy mạ non, cấy nông tay theo mật độ 28-30 khóm/m2. Trong sử dụng phân bón, phân hữu cơ bón lót trước khi bừa 8-10 tấn/ha, phân lân được bón sau khi bừa 560kg/ha, phân viên nén được bón sau khi cấy 3 ngày với cách bón dúi sâu 2 viên phân khoảng 5-7 cm giữa 4 khóm lúa cấy.
Thực hiện tưới nước theo chu kỳ phát triển của lúa, cũng như chú trọng phòng trừ sâu bệnh. Mặc dù trong quá trình sản xuất, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, song cây lúa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay toàn bộ diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch.
Để đánh giá kết quả, hiệu quả của mô hình, ngày 24-9-2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành hội nghị đầu bờ với sự có mặt của ông Nguyễn Văn Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và địa phương cùng với các hộ dân thực hiện, đông đảo nhân dân huyện Văn Yên.
Qua gặt thống kê 72 điểm năng suất thực thu đạt rất khả quan: 67,5 tạ/ha, tăng 41% so với sản xuất lúa lai đại trà. Đặc biệt giống Nghi hương 2308 đạt 75 tạ/ha, N.Ưu 69 đạt 72,5 tạ/ha, những kết quả đó làm cho nhà nông Văn Yên thán phục. Không chỉ có vậy mà chi phí cho sản xuất 1 ha lúa theo mô hình cải tiến chỉ hết 9 triệu 464 ngàn đồng, trong khi sản xuất lúa đại trà hết 9 triệu 786 ngàn đồng. Như vậy, với năng suất 67,5 tạ/ha, bán với giá thị trường thì tổng thu 1 ha đạt 18.890 ngàn đồng, tăng gần 7 triệu đồng so với sản xuất đại trà.
Ông Lại Thế Hùng – Phó phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và PTNT, người gắn bó và trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết thêm: “Ngoài việc lợi nhuận đem lại cao, thì sản xuất theo mô hình cải tiến người nông dân giảm được công chăm sóc, bón phân, giảm 50% giống lúa, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường… Trong đó giảm chi phí vật tư 322 nghìn đồng, tăng do năng suất 4.970 ngàn đồng, tăng do bán lúa chất lượng cao 2.024 ngàn đồng/mỗi ha”.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại đồng ruộng, ông Nguyễn Văn Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá rất cao mô hình thâm canh lúa cải tiến này và yêu cầu ngành nông nghiệp cần làm trong thời gian tới là: “Tiếp tục làm thí nghiệm thêm một vụ nữa (vụ xuân 2008) với các giống khác để khẳng định và nhân rộng ra toàn tỉnh. Cùng với việc ứng dụng KHKT, giống, Tổ chức Codespa đã đồng ý tài trợ cho Văn Yên một số máy nén phân, song cần nghiên cứu viên phân nén sao cho phù hợp với đồng đất để tạo năng suất cao nhất. Tỉnh sẽ mua thêm một số máy nén phân đưa về các vùng nông thôn khác mà tổ chức Codespa chưa phủ đến”.
Bước đầu thực hiện dự án này khá thành công và triển vọng đưa ra sản xuất đại trà là rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, ngoài vấn đề áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh thì vẫn còn gặp khó khăn nhất định.
Vẫn biết việc sản xuất thâm canh lúa cải tiến mang lại năng suất cao, lợi nhuận lớn, giảm công song không phải nơi nào, hộ nông dân nào cũng làm được bởi người nông dân phải chịu khá nhiều áp lực về vốn đầu tư phân bón một lần cho cả vụ. Một vấn đề nữa là phải có máy ép phân mà không phải người dân nào cũng đầu tư được! Giải quyết tốt vấn đề đó thì mới có thể triển khai ra diện rộng và mang lại hiệu quả cao, nếu không thì thử nghiệm vẫn là thử nghiệm.
Thanh Phúc