YênBái – YBĐT – Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, vì vậy, mỗi năm Trạm Tấu đều nhận được những nguồn lực đầu tư mạnh mẽ. Đó là hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách, từ nguồn dự án tài trợ, vốn vay nước ngoài mà Nhà nước dành để vùng cao xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm; những chính sách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cụ thể, năm 2008, tổng đầu tư lĩnh vực giao thông, công nghiệp, xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đạt 79 tỷ đồng, sự nghiệp y tế đạt trên 9 tỷ đồng, chi ngân sách duy trì bộ máy trên 81 tỷ đồng… Ngoài ra, bà con vùng cao còn được Nhà nước hỗ trợ cấp không giống lúa, phân bón… để sản xuất; được hỗ trợ khi thiên tai, dịch bệnh, được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Tuy nguồn lực đầu tư lớn như vậy nhưng hiệu quả không cao. Đến nay, tỷ lệ đói nghèo của Trạm Tấu vẫn đứng đầu danh sách các huyện, thị. Với 4.274 hộ dân, có đến 2369 hộ nghèo, chiếm 55,43%. Nhiều xã, tỷ lệ đói nghèo lên đến gần 70% như: Bản Mù 64, 61%, Bản Công 69,90%, Xà Hồ 64,27%, Trạm Tấu 71,26%… Năm 2008, cả huyện có 301 hộ được giúp đỡ thoát nghèo thì lại có 310 hộ tái nghèo.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác xoá đói giảm nghèo nơi đây chậm và không bền vững. Đó là do địa hình quá phức tạp, núi cao vực sâu, khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác bạc mầu, cơ sở hạ tầng thấp kém, người dân không có tư liệu sản xuất và một nguyên nhân nưa là sự trông chờ ỷ lại cấp trên còn nặng nề. Theo điều tra có 593 hộ dân trong huyện không có ruộng nước sản xuất, mỗi năm thiếu đói 5- 6 tháng trở lên và có khoảng 1.200 hộ thiếu đất canh tác, thiếu rừng khoanh nuôi bảo vệ…
Do hậu quả của những năm phát triển cây anh túc mà đến nay toàn huyện vẫn còn 500 con nghiện, một lực lượng không có khả năng lao động nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội. Hơn thế, với điều kiện dân trí thấp, tồn tại tư tưởng lạc hậu mà tỷ lệ phát triển dân số khu vực này vẫn còn rất cao, trên 2% năm. Trình độ sản xuất thấp kém, cộng với phong tục sản xuất lạc hậu đã có từ ngàn đời, một bộ phận lớn người dân không đủ trình độ để tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất cũ, lạc hậu. Đơn cử như việc chuyển đổi ruộng một vụ sang hai vụ. Sau gần 15 năm, dù được hỗ trợ hoàn toàn về giống, phân… nhưng diện tích lúa chiêm xuân của Trạm Tấu mới đạt 500 ha.
Điển hình tại xã Bản Mù, nơi đất lắm, ruộng nhiều, từ vụ xuân 2006 – 2007, cán bộ tỉnh, huyện xuống nằm hàng tháng trời làm tất cả mọi việc từ nạo vét kênh mương, hướng dẫn dân từ làm mạ, cấy lúa, bón phân… dân đã có lúa thu hoạch. Vậy mà vụ xuân này, cán bộ tỉnh, huyện lại xuống, cấp phân, cấp giống cùng làm nhưng cũng chỉ đạt khoảng 70 ha, trong đó phần lớn là của cán bộ, đảng viên. Còn các giống cây màu khác như: lạc, đậu tương, ngô… mới chỉ được trồng gọi là có. Qua đó, cũng chứng tỏ người dân ở TRạm Tấu sức ì quá nặng, quá trông chờ vào Nhà nước vào cấp trên. Trong khi đó ngay tại Văn Chấn hay một huyện ở tỉnh bạn Sơn La, với địa hình và khí hậu tương đồng, người dân nơi đó thâm canh, tăng vụ rất tốt.
Phân tích tất cả những nguyên nhân trên, có thể đánh giá, sâu xa của sự đói nghèo chính là căn bệnh trông chờ, ỷ lại quá lớn vào sự bao cấp của Nhà nước của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ căn bệnh trầm kha này mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân chấp nhận đói nghèo, không có ý chí vượt qua khó khăn, vượt qua hoàn cảnh, không sáng tạo vươn lên trong lao động, học tập và sản xuất, nhiều chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh chậm đi vào cuộc sống. Thậm chí, nhiều cán bộ, đảng viên không gương mẫu, không noi gương, không là đầu tầu… để chấp hành và đưa chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Không ít người còn lợi dụng những chính sách đó để tư lợi cho bản thân, gia đình và dòng họ.
Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ra đời đều nhằm phục vụ nhân dân, đều vì cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của nhân dân. Nhưng những chủ trương có đạt mục đích, yêu cầu hay không một phần lớn còn phụ thuộc vào sự cố gắng, quyết tâm của mỗi Đảng bộ, chính quyền, người dân cơ sở. Một khi mà cán bộ, đảng viên, người dân chưa thoát khỏi sự lệ thuộc, chưa nhận thức sâu sắc sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là định hướng, là đòn bẩy, là động lực để giúp mình để vượt qua khó khăn để từ đó cố gắng vươn lên thì mọi sự giúp đỡ dù có nhiều đến đâu cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Giải quyết bài toán đói nghèo vùng cao, yếu tố quyết định là phải giải quyết tận gốc vấn đề tư tưởng, nhận thức của cán bộ và người dân cơ sở.
Nguyễn Đình