YBĐT – Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2008. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em – những đối tượng có khả năng dễ bị bạo lực gia đình (BLGĐ). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay, nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh vẫn còn “mơ hồ” về Luật.
Chính vì chưa hiểu và nắm rõ Luật nên ngay cả một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cũng còn nhiều lúng túng, bế tắc trong giải quyết vấn đề BLGĐ, phần nào gây ra những trở ngại và làm hạn chế công tác đấu tranh phòng, chống BLGĐ.
Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về BLGĐ do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc công bố ngày 25/11/2011 cho thấy, khoảng 30% cán bộ ở các cấp chính quyền địa phương không nắm được Luật Phòng, chống BLGĐ và nhiều người quan niệm “BLGĐ là vấn đề riêng của gia đình” nên thường khuyên người bị bạo lực chịu đựng. Cũng vì cảm thấy không được hỗ trợ sau khi đã lên tiếng nên nhiều nạn nhân bị BLGĐ đã không thông báo về tình trạng bị bạo lực của họ sau đó.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng từ 300- 500 vụ BLGĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan, con số này dường như mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, bởi trong thực tế, BLGĐ vẫn tồn tại và tiềm ẩn trong rất nhiều các gia đình mà hiện các cơ quan luật pháp và chính quyền địa phương chưa thể phát hiện và xử lý.
Nguyên nhân do vẫn còn có những nạn nhân của BLGĐ chưa dám nói lên sự thật và một phần vì BLGĐ ngày càng phát sinh nhiều khuynh hướng mới không dễ nhận diện như: bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực bao vây kinh tế…
Căn cứ kết quả khảo sát thực trạng BLGĐ diễn ra trong cả nước nói chung và Yên Bái nói riêng thì phần đa những nạn nhân của BLGD đều là phụ nữ, trẻ em và người già – “ những người chân yếu tay mềm”, thường không có khả năng chống đỡ hoặc có thì cũng rất yếu ớt. Bởi vậy, không ít trường hợp, người vợ bị người chồng hành hạ quá nhiều lần (cả về thể xác lẫn tinh thần) đã bị rối loạn tâm thần, thường sống trong hoang mang, sợ hãi, tự ti, đôi khi dẫn đến trầm cảm. Có những nạn nhân BLGĐ vì quá bế tắc, không có khả năng tự bảo vệ mình truớc hành vi bạo hành của chồng, vợ “đành” phải tự giải thoát bằng cách ly thân, ly hôn, hay bỏ đi…
Cũng theo số liệu xét xử của Toà án nhân dân tỉnh, từ năm 2001 đến nay, Tòa án các cấp đã xử trên 4.000 vụ ly hôn, trong đó trên 55% số vụ liên quan đến BLGĐ và người gây ra bạo lực mà chủ yếu là nam giới…
Luật Phòng, chống BLGĐ là hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các mô hình và tổ chức các biện pháp phòng, chống BLGĐ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, BLGĐ là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền thông, văn hoá, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của người dân. Do vậy, công tác phòng, chống BLGĐ sẽ không chỉ bao gồm việc áp dụng và thực thi pháp luật mà còn phải gắn với việc thực hiện bình đẳng giới, công tác xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc và trợ giúp có hiệu quả đối với nạn nhân của BLGĐ.
Để Luật Phòng, chống BLGĐ thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, các địa phương và các ngành liên quan cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân; làm tốt công tác hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ; trang bị cho nạn nhân BLGĐ vũ khí để tự bảo vệ mình (như: có nghề nghiệp, có khả năng độc lập về tài chính, có trình độ học vấn….).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; xử lý những người có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của Nghị định 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ; thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Hồng Oanh