YBĐT – Giải quyết việc làm cho thanh niên đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương trong tỉnh. Thực tế cho thấy, không chỉ thanh niên nông thôn mà thanh niên ở các khu vực thành phố, thị xã không có việc làm và thu nhập ổn định chiếm tỷ lệ khá cao.
Tỷ lệ thanh niên phải “ly hương” đã có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đến việc thu hút và tập hợp thanh niên tham gia tổ chức Đoàn, hội và các phong trào của địa phương.
Mặc dù trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên nông thôn đã được tỉnh quan tâm chú trọng, thể hiện qua việc các lớp học nghề được mở dưới nhiều hình thức khác nhau như: tập huấn, ngắn hạn và dài hạn. Nhiều lao động sau khi học nghề đã được tuyển dụng và làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh hoặc tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên có được việc làm ổn định, thu nhập tốt, nhất là thanh niên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thanh niên là người dân tộc thiểu số chưa nhiều.
Là đơn vị có chức năng tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên, trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm Tư vấn và Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tuyển dụng lao động mở rất nhiều các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục nghìn lượt thanh niên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển dụng vào các nhà máy, xí nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi, phần lớn lao động tìm việc làm hiện nay có trình độ học vấn, chuyên môn cũng như kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, chủ yếu là lao động phổ thông.
Bên cạnh đó, tâm lý “ly nông nhưng không ly hương” cũng tác động đến cơ hội tìm kiếm việc làm của thanh niên. Nhu cầu tuyển dụng lao động vào các nhà máy, xí nghiệp ít, đòi hỏi trình độ năng lực cao, trong khi đó tại địa phương thanh niên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình lại khó khăn, do chưa đủ những điều kiện cần thiết.
Để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực ở nông thôn, nhất là nguồn nhân lực trẻ là rất cần thiết, vì một lao động có việc làm ổn định không chỉ đảm bảo cho việc ổn định của mỗi gia đình, cho cả địa phương mà còn toàn xã hội. Giải quyết việc này cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó việc xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ và vừa, phát triển các ngành nghề phụ, gia tăng các hoạt động dịch vụ ở nông thôn. Đây là cơ sở cho việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phân công lao động ở nông thôn. Do vậy, để giải quyết việc làm cho thanh niên, việc định hướng, đào tạo nghề cho đối tượng này phải dựa trên nhu cầu, gắn với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương là rất quan trọng.
Trong đó, việc phối hợp chính quyền các cấp, các trường dạy nghề và các doanh nghiệp tạo mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền – doanh nghiệp và người lao động giữ vai trò then chốt. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể của đối tượng này cần đứng ra làm đầu mối, giúp họ tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi; khuyến khích người lao động ở nông thôn tự tạo việc làm, tích cực tham gia khôi phục và phát các làng nghề truyền thống.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của người lao động và quan hệ cung cầu trên thị trường lao động. Trong đó, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, xây dựng các mô hình đào tạo liên thông, đặc biệt chú ý đến đào tạo các nghề trình độ cao để đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu công nghiệp. Đồng thời phát huy cao vai trò xung kích của tổ chức Đoàn trong giải quyết việc làm cho thanh niên và thực hiện các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho họ.
Hà Anh