YBĐT – Bước vào năm học mới 2011- 2012, nhìn lại tỷ lệ học sinh bỏ học trong năm học trước ở Yên Bái, chúng ta không khỏi quan ngại!
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2010 – 2011 toàn tỉnh vẫn còn 1.137 học sinh phổ thông bỏ học, chiếm 0,86%, giảm 0,36% so với năm học trước đó. Đáng mừng là ở cấp tiểu học, toàn tỉnh chỉ có 77 em bỏ học, chiếm 0,12%, giảm 0,16%; trong đó, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình không có học sinh nào.
Mặc dù so với năm học trước, tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học ở huyện Mù Cang Chải đã giảm 1,75% nhưng hai huyện vùng cao vẫn là những địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất tỉnh, trong đó Trạm Tấu 0,51% và Mù Cang Chải 0,56% học sinh.
Cấp trung học cơ sở, số bỏ học toàn tỉnh là 472 em, chiếm tỷ lệ 1,05%, giảm 0,16%. So với năm học trước, học sinh trung học cơ sở bỏ học đều giảm ở hầu hết các địa phương nhưng hai địa phương gồm huyện Lục Yên, tỷ lệ bỏ học lại tăng 0,59%, thị xã Nghĩa Lộ tăng 0,56%.
Cấp trung học phổ thông (THPT) có 593 học sinh bỏ học, chiếm 2,79%, giảm 0,78%. Đáng mừng là một số đơn vị không có học sinh bỏ học như Trường Dân tộc nội trú THPT tỉnh, THPT chuyên Nguyễn Tất Thành; tỷ lệ bỏ thấp như THPT Nguyễn Huệ (0,4%), Dân tộc nội trú THPT Miền Tây (0,7%), THPT Nghĩa Lộ (0,8%).
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số trường có tỷ lệ bỏ học tăng như: THPT Đồng Tâm tăng 1,9%, THPT Trần Phú tăng 1,1%. Tỷ lệ học sinh bỏ học mức cao tập trung ở hệ bổ túc THPT, chiếm 11,47%, mặc dù đã giảm 3,19% so với năm trước. Toàn tỉnh đang có tới 5/9 trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp – dạy nghề có tỷ lệ học viên bỏ học trên 10%.
Trước năm học mới 2011-2012, để hạn chế tới mức thấp nhất học sinh bỏ học, ngành giáo dục và đào tạo cần tập trung cao độ chỉ đạo việc huy động học sinh tới lớp, tới trường thông qua nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và gia đình tuyên truyền, vận động, động viên ông bà, bố mẹ tạo điều kiện cho con em tới trường. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác khuyến học, khuyến khích con em thi đua học tập tiến bộ.
Các địa phương, nhà trường tích cực xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút các em tới trường. Các trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thôn bản ngay từ đầu năm học để tìm hiểu nguyên nhân, động viên học sinh tới lớp. Các huyện, xã vùng cao tăng cường mô hình bán trú, nội trú dân nuôi để tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Đặc biệt đối với vùng cao cần xác định việc huy động tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng giáo dục.
Nhằm giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, các địa phương, nhà trường, lớp học cần thực hiện nghiêm túc chế độ theo dõi, báo cáo. Các cấp trong ngành giáo dục và đào tạo phải thường xuyên cử các đoàn công tác đến tận cơ sở nơi có nhiều học sinh bỏ học để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp giúp đỡ, động viên học sinh không bỏ lớp.
Đào Minh