YênBái – YBĐT – Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá 16 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010 đưa điện lưới đến 100% số xã, 90% số hộ được dùng điện. Ngoài ra, sản lượng điện dùng cho công nghiệp tiếp tục tăng cao, tập trung vào khu công nghiệp phía Nam và các khu sản xuất khác… Bên cạnh việc đầu tư phát triển lưới điện, công tác an toàn phòng chống sự cố cháy nổ do điện phải được đặt lên hàng đầu…
Nguyên nhân gây ra cháy nổ
Trong thực tế, các vụ cháy nổ xảy ra phần lớn có nguyên nhân do chập điện. Trong khi một khối lượng lớn thiết bị, lưới điện trên địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ cao. Đã có những vụ tai nạn, sự cố cháy nổ do điện gây hậu quả về người và tài sản. Theo thống kê của đơn vị chức năng, từ năm 2001 đến nay, trong tổng số 187 vụ cháy nổ thì có tới 103 vụ do sơ suất dùng nguồn nhiệt, 38 vụ do sự cố kỹ thuật điện, 175 vụ xảy ra tại các hộ gia đình… Đến một số khu vực buôn bán, tập trung đông dân cư, nhà tập thể mạng điện nội bộ, có thể dễ nhận thấy nhiều chỗ đường điện giăng như mạng nhện, nhiều nơi đường dây được xây dựng đã lâu mà vẫn không cải tạo nâng cấp. Trong khi đời sống kinh tế, sinh hoạt hàng ngày tăng cao, nhiều thiết bị điện đưa vào sử dụng có công suất lớn như: máy điều hoà, lò nướng, tủ lạnh, mô tơ điện… Mặc dù vậy, nhiều nơi ít người nghĩ đến việc cải tạo nâng cấp đường dây, thiết bị đóng ngắt để đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như an toàn lưới điện. Vì vậy, nguy cơ xảy ra quá tải, cháy nổ do điện là rất lớn. Gia đình thì đã vậy nhưng một số xí nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ, mạng điện nội bộ vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về quy trình quy phạm khi nâng cấp công suất, mở rộng sản xuất. Công tác kiểm tra duy tu bảo dưỡng thiết bị ở nhiều đơn vị cũng chưa được chú trọng dễ dẫn đến chập cáp, quá tải đường dây gây sự cố, nguy cơ mất an toàn về điện rất cao.
Đối với khu vực nông thôn, nhân dân phần lớn chưa nhận thức được đầy đủ hoặc biết nhưng vẫn chủ quan về an toàn phòng cháy nổ về điện. Một trong những nguyên nhân có thể thấy được là do người dân thiếu ý thức khi lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn. Đa số các lưới hạ áp dùng cột, xà bằng tre, gỗ không đảm bảo độ chắc chắn, độ cao, dây dẫn trần, tiết diện nhỏ, không đảm bảo khoảng cách giữa 2 pha và giữa pha với đất, không có thiết bị đóng cắt. Bà Phạm Thị Dư – thôn Đồng Phú – xã Nam Cường (thành phố Yên Bái) cho biết: “Việc đầu tư lưới điện hạ áp trong thôn đều do nhân dân đóng góp cùng địa phương nên nhiều khi chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Mặt khác, nhiều hộ gia đình còn gặp khó khăn về kinh phí nên việc xây dựng, cải tạo lưới điện để đạt tiêu chuẩn là rất khó khăn”. Hiện nay, việc quy hoạch phát triển lưới điện đôi khi chưa cập với quá trình phát triển kinh tế- xã hội ngày một nhanh của địa phương.
Những cột điện tạm vẫn còn nhiều trên địa bàn thành phố Yên Bái. |
Đặc biệt, khu vực phát triển sản xuất tập trung, nhiều khu đông dân cư nhưng đa số chưa có quy hoạch phát triển lưới điện khiến lưới điện bị chắp vá làm phát sinh nhiều điểm có nguy cơ gây mất an toàn. Việc phát triển tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho ngành điện trong việc ngăn ngừa, phòng chống các sự cố cháy nổ do điện.
Vì sự an toàn về điện
Hiện nay, khối lượng các thiết bị điện trên phạm vi toàn tỉnh gồm: 3 đường dây 110 kV dài 221,5 km và 2 trạm biến áp 110/35/22 kV công suất 66.000 kVA, 11 trạm biến áp trung gian 35/10 kV với 13 MBA tổng công suất 73.300 kVA, 687 trạm biến áp phân phối 35/0,4 kV có tổng công suất 97.368 kVA. Điện lưới quốc gia đã phát triển đến tất cả các huyện, thị và tới 96% số xã trong tỉnh, số hộ được dùng điện đạt 83%.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ngành điện sẽ phải đạt mức tăng trưởng 15- 20% nhu cầu của địa phương. Trong đó, ngoài công tác quản lý vận hành, điều phối lưới điện thì công tác phòng chống cháy nổ cũng phải đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Giải pháp quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ công nhân viên trong ngành, hộ gia đình, khách hàng sử dụng điện để mọi người hiểu, không chủ quan và thực hiện đúng các quy định an toàn về điện. Công tác phòng cháy phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm song song với công tác vận hành, kinh doanh điện năng. Các cấp, ngành cần quan tâm ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa lưới điện hạ áp tại các khu vực nông thôn, đông dân; đầu tư mua sắm, bổ sung, thay thế các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định của ngành chức năng, ngành duy trì công tác kiển tra tại hiện trường về công tác PCCC ở các đơn vị, qua đó loại bỏ tất cả những trang thiết bị PCCC không đảm bảo.
Bên cạnh đó, phối hợp duy trì thường xuyên với ngành chuyên môn về huấn luyện nghiệp vụ phòng chống cháy nổ và diễn tập phương án chữa cháy tại cơ sở. Thông qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ công nhân viên, nhận thức của nhân dân nghiệp vụ an toàn PCCC về điện; có những đề xuất hữu hiệu trong phát triển lưới điện nông thôn đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn cháy nổ. Để thực hiện tốt những giải pháp này, không chỉ có sự quan tâm của ngành điện mà các cấp, ngành, địa phương tăng cường phối hợp cùng ngành chức năng quản lý, vận hành giảm thiểu các sự cố cháy nổ, vì sự an toàn của lưới điện.
Huy Văn