YênBái – YBĐT – Vụ chè năm nay, các cơ sở chế biến chè gần như nằm yên, một cảnh đìu hiu quen mà lạ. Kịch bản: rớt giá – nông dân bỏ chăm sóc chè – nhà máy thiếu nguyên liệu; được giá – không đủ nguyên liệu chế biến lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua với ngành chè Yên Bái.
Trên 13.000 ha là diện tích lớn với một cây công nghiệp nhưng thế mạnh về diện tích không giúp nông dân làm chè giàu lên trong những năm qua, nó vẫn là cây xoá đói giảm nghèo. Hàng loạt yếu kém của sản xuất chè đã được chỉ ra, nhà quản lý đưa ra lý do: hàm lượng khoa học công nghệ kết tinh trong sản phẩm còn rất thấp, doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư, đa dạng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, phát triển sản xuất không tuân theo quy hoạch…
Doanh nghiệp cho rằng trình độ sản xuất của nông dân, nhất là vùng cao còn thấp, chất lượng nguyên liệu đầu vào không đáp ứng yêu cầu về phẩm cấp, thị trường cạnh tranh quyết liệt. Nông dân ca thán: giá vật tư tăng cao, thị trường bấp bênh, doanh nghiệp ép cấp ép giá…
Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành nghị quyết riêng cho sản xuất chè, hàng chục tỷ đồng đã được Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đầu tư cho sản xuất chè; trên 1.000 ha chè giống mới đặc sản như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên đã được trồng ở các địa phương… Tuy nhiên, chè Yên Bái tới nay chưa có thương hiệu, đúng hơn là chưa có sản phẩm chè nào của Yên Bái có chỗ đứng trên thị trường một cách bền vững, hàng vạn nông dân vùng chè vẫn lao đao khi thị trường nổi bão.
Trong chương trình phát triển cây chè tới năm 2015, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định sản lượng chè búp tươi 130.000 tấn, năng suất bình quân 10 tấn/ha – đó là những chỉ tiêu lớn phải có sự bứt phá mạnh mẽ với các giải pháp đồng bộ về khoa học công nghệ, thị trường, nguyên liệu mới đạt được…
Vấn đề đặt ra ở đây là, cây chè đã gắn bó với nông dân Yên Bái hơn 40 năm nhưng nó vẫn chỉ là cây xoá đói giảm nghèo, mang tính xã hội nhiều hơn kinh tế. 13.000 ha là diện tích rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nông dân gắn bó với chè, chưa thấy ai giàu lên được, kiểm lại đời làm chè một nắng hai sương vẫn chưa thể khấm khá.
Thực tiễn đang đặt ra câu hỏi: Có nên quy hoạch lại vùng chè nguyên liệu trên cơ sở rà soát, đánh giá đúng diện tích, chất lượng để tập trung đầu tư, thâm canh gắn với chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế? Thực tế, nhiều nơi nông dân đã chủ động chuyển đổi diện tích chè không hiệu quả sang trồng rừng kinh tế và họ đã giàu lên. Trồng rừng kinh tế là hướng đi cho hiệu quả rõ nét ở Yên Bái thời gian qua, thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng có tính ổn định và bền vững, hướng đi này đã được mô hình hoá – điển hình hoá ở nhiều địa phương và ngay ở các địa phương có diện tích chè lớn như Văn Chấn, Yên Bình.
Gỡ khó cho người làm chè bằng quy hoạch kể như là một giải pháp có tầm nhìn và chiều sâu, có tính thực tiễn cao cần được các cấp ngành quan tâm xem xét.
Tuấn Anh