YênBái – YBĐT – Từ năm 2015, hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á đã không phải chịu thuế nhập khẩu theo cam kết của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015 – 2018.
Qua đó mở ra cánh cửa cho hàng ngoại ồ ạt vào nước ta. Đó cũng là lý do khiến hàng tiêu dùng nội địa đã “lép vế” càng đứng trước nguy cơ mất thị phần lớn khi cơn lốc hàng tốt, giá phải chăng của các nước tràn vào.
Trước đây, hàng xuất xứ từ Trung Quốc được người tiêu dùng Yên Bái ưa chuộng bởi mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá cả lại phải chăng, phù hợp với thu nhập của phần đông người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi những vụ việc tai tiếng về chất lượng thấp kém của các mặt hàng từ nước này được cảnh báo thì người tiêu dùng Yên Bái đã một phần “quay lưng” với hàng Trung Quốc và chuyển sang sử dụng các mặt hàng của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đa số người dân thì hàng Việt giá tuy có rẻ hơn nhưng về chất lượng và mẫu mã thì còn khoảng cách xa so với sản phẩm nhập ngoại. Dễ nhận thấy, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các cửa hàng, siêu thị mini chuyên bán đồ tiêu dùng Thái Lan, Nhật Bản gần đây “mọc” lên ngày càng nhiều. Tuy quy mô không lớn nhưng lại rất phong phú về mặt hàng, đa dạng về chủng loại. Giá cả tuy có nhích hơn chút so với hàng Việt nhưng lại rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác nên vẫn rất hấp dẫn người tiêu dùng.
Quan sát những cửa hàng bày bán cả sản phẩm cả trong và nước ngoài thì thấy “đồ ngoại thường lấn át đồ nội”, đặc biệt là các cửa hàng dành cho trẻ em. Lý do dùng hàng ngoại của nhiều khách hàng là bởi mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, khi sử dụng thấy chất lượng tốt người nọ truyền tai người kia dẫn đến “hữu xạ tự nhiên hương”, mang lại lợi ích cho những dòng sản phẩm ngoại. Thực tế, để hàng Việt giữ sân nhà đang là thách thức, là hồi chuông “cảnh báo” các doanh nghiệp trong nước, các cửa hàng bán lẻ trên thị trường khi mà hàng ngoại đang thâm nhập ngày càng nhiều và chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng.
Nguyên nhân thì nhiều song khách quan vẫn do lỗi của nhà sản xuất trong nước chưa để người tiêu dùng đặt niềm tin vào các sản phẩm của mình. Mặc dù không thể đánh đồng tất cả các mặt hàng của Việt Nam chất lượng không cao bởi trên thực tế đã có không ít sản phẩm của Việt Nam được xuất ra nước ngoài, được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, do hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang “lẫn lộn”, khâu quảng bá kém dẫn đến cũng người tiêu dùng “thận trọng” khi lựa chọn các mặt hàng nội.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay, để cạnh tranh thị phần nội địa, thiết nghĩ các doanh nghiệp trong nước cần không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất, máy móc, phương thức quản lý, làm sao để có thể mang đến những sản phẩm tốt, đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm nhằm tạo được uy tín và lấy lại niềm tin của khách hàng.
Đồng thời với đó cũng phải có cách tiếp cận thị trường tốt nhất, biết đánh đúng tâm lý người tiêu dùng. Cùng với đó, mỗi người tiêu dùng phải là một “nhà tiêu dùng thông thái”, cần xác định mua sản phẩm chứ không phải bao bì và quan tâm đến sản phẩm nội địa theo phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa thể hiện lòng yêu nước, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước nói chung và địa phương nói riêng.
Thanh Chi