YBĐT – Hôm nay, 23 tháng Chạp – ngày tết ông Công, ngày các gia đình người Việt Nam làm lễ tiễn Táo quân về trời. Đây là một tín ngưỡng dân gian truyền lại, in đậm trong đời sống tinh thần của các thế hệ người Việt mỗi khi tết đến xuân về và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Tích Táo quân chầu trời ai mà chẳng biết, ai chẳng mong muốn “ông Táo” nhà mình đi đến nơi về đến chốn. Mong ông Táo dâng Ngọc Hoàng bản tấu trình thật hay, thật tốt về nơi mình sinh sống, về những kết quả “to lớn” gia đình mình đã làm được trong suốt một năm qua. Vậy nên, lễ tiễn Táo quân phải chuẩn bị hết sức chu đáo, cẩn thận và thành kính. Một mâm cơm thịnh soạn để cúng, tiễn ông Táo về trời.
Mọi nhà đốt vàng tiền, đồ mã và không thể thiếu “cỗ xe” cá chép với mong muốn các ngài sớm đến được Thiên đình. Nhà nào cũng tổ chức lễ tiễn ông Công chu đáo, tùy điều kiện từng gia đình và mức độ “thành công” của một năm qua. Cỗ bàn có khi được bày vẽ linh đình, cũng có khi chỉ là “thanh bông – hoa quả” gọi là làm lễ tiễn Táo quân làm nhiệm vụ ở Thiên đình, chưa thấy ai phàn nàn bởi lễ mọn – tâm thành… Nhưng làm sao đủ, làm sao đúng mới là vấn đề đặt ra.
Đủ là: không thể thiếu lễ dâng lên, dù chỉ là lễ mọn. Lễ mọn nhưng mấy ai thiếu được cá chép – thứ được coi là tối quan trọng của Táo quân. Vậy là, ngoài “cá giấy” được cung cấp thoải mái theo từng bộ mã đáp ứng nhu cầu thị trường, các Táo ngày nay còn được “vi vu” trên những phương tiện của thời hiện đại.
Cùng với lên Thiên đình bằng cá giấy đã hóa, các ngài còn “lên trời” bằng cá chép thật. Mà phải là chép lửa (chép đỏ) đàng hoàng. Gia đình “nhiều công, nhiều trạng” dâng 1 chép, 3 chép vẫn lo chưa đủ, phải dâng đến 5 chép, mà toàn là chép mình nuôi được. Tất cả những “cỗ xe Táo” đã được mỗi gia đình nuôi nấng ở các hồ, lồng bè, các ao của những người chân lấm tay bùn quanh năm. Thế rồi mỗi dịp tết đến, “chép Táo” được đưa đi đủ hướng, các thị trường từ thành thị đến nông thôn.
Trong thời buổi túi ni-lông lên ngôi, hầu như không “cỗ xe” nào về nhà gia chủ mà không phải oằn mình trong túi ni-lông thiếu khí. Vậy nên, xe của các Táo thường hay quăng quật trên những “ao” nhỏ như bát nước mà rơi xuống nền nhà. Điều nguy hại là, khi phóng sinh cá chép đưa Táo về trời không phải gia chủ nào cũng đạt được điều mong muốn.
Tìm được những dòng chảy trong sạch, rộng rãi mà thả cá, tìm được mặt ao hồ rộng, không bị ô nhiễm là việc không dễ dàng. Thành thị đã khó, nông thôn cũng không khác. Thế mà khi thả cá phóng sinh, phương tiện của Táo quân lại nảy sinh câu chuyện túi ni-lông. Tất cả đều tin rằng, mọi túi ni-lông đã theo cá ông Công lên trời, thế mới lạ! Lạ ở chỗ: hầu như chẳng ai nghĩ đến việc dùng một chiếc âu thả cá ra nguồn nước, chẳng ai thả xong lại nghĩ đến mang túi ni-lông về dù biết rằng vứt lại ở đó là hành động thiếu ý thức bảo vệ môi trường!
Cách ứng xử trong một lễ tục cần đúng và phù hợp trong điều kiện mọi người đều có thể thực hiện. Đúng khi người dân có thể hóa tiền, vàng mã ở mức độ. Mức độ trong sự không lãng phí, mức độ để giảm được ô nhiễm, để mọi người trong khu dân cư, trong cộng đồng có thể chấp nhận. Rồi đó còn là văn hóa trong hành động “đưa” Táo về trời. Thả các “cỗ xe” nhẹ nhàng trên nguồn nước tốt là việc nên làm. Nhưng mỗi đại diện gia chủ cần tâm niệm rằng, sao khi “hạ thủy” xong, mỗi chiếc túi ni-lông sẽ được thu lại gọn ghẽ, được đưa vào nơi tiêu hủy chung, tránh “rác mắt”cộng đồng chính là thể hiện hành động văn hóa trong một lễ tục văn hóa của người Việt ta.
Quang Tuấn