YênBái – YBĐT – Sau nhiều năm đầu tư trồng, khoanh nuôi bảo vệ, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng Yên Bái đã đạt 56,3%. Hơn thế, tỉnh đã có 228.405 ha rừng tự nhiên, trong đó có 36.508 ha rừng đặc dụng, tập trung tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (Văn Yên) và Khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo ( Mù Cang Chải). Có thể nói, rừng tự nhiên thực sự là tài sản vô giá, là “lá phổi” sống để bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời là tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế du lịch, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, lực lượng giữ rừng mỏng, hoạt động trên địa bàn rộng; đời sống người dân khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ở địa bàn vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, trong khi việc khai thác gỗ rừng tự nhiên đem lại “siêu lợi nhuận”.
Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước đối với người bảo vệ rừng còn thấp, với mức khoán vài chục ngàn đồng để giữ một ha rừng trong một năm như hiện nay là quá thấp, không khuyến khích người dân bảo vệ rừng. Hơn thế, tại nhiều nơi, địa bàn rộng, xa xôi cách trở, chủ rừng chỉ là một hộ mà quản lý tới vài chục ha rừng dẫn đến nhiều chủ rừng không biết rừng mình ở đâu để bảo vệ! Đặc biệt, tại nhiều nơi có rừng tự nhiên, cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, cán bộ đảng viên và bộ phận lớn người dân chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, vị trí của rừng đối với đời sống, kinh tế, xã hội. Không nâng cao trách nhiệm, thậm chí nhiều cán bộ lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở, chủ rừng còn lợi dụng kẽ hở trực tiếp phá rừng hoặc tiếp tay để lâm tặc phá rừng. Những vụ phá rừng ở Túc Đán (Trạm Tấu), ở Phong Dụ Thượng, Châu Quế Thượng ( Văn Yên)… là minh chứng.
Thiệt hại do khai thác rừng tự nhiên là vô cùng to lớn, không những gây mất cân bằng sinh thái, bảo vệ con người trước thiên tai mà còn làm mất cán bộ, suy giảm lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn…
Hãy bảo vệ rừng tự nhiên! Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là cần tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền cấp huyện, xã, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thừa hành pháp luật và lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng và thôn, xã nếu để mất rừng, phá rừng. Cùng đẩy mạnh phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, cần xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng một cách nghiêm minh.
Về lâu dài, cần thi hành các biện pháp để nâng cao đời sống người dân khu vực rừng tự nhiên như: hỗ trợ tài chính để người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông lâm kết hợp nhằm hạn chế thấp nhất canh tác nương rẫy; rà soát, hoàn thiện quy hoạch chi tiết đất lâm nghiệp cấp xã, huyện, tỉnh, xác định các lâm phận ổn định tiến tới cắm mốc ranh giới thực địa.
Triển khai các dự án lâm nghiệp nhằm tăng hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ lâm nghiệp nhằm tăng giá trị chất lượng lâm nghiệp; tăng cường khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo hướng hưởng lợi trực tiếp từ rừng và các thu nhập khác đem lại để thay thế dần cơ chế khoán bằng tiền từ ngân sách Nhà nước hiện nay…
Chỉ có triển khai mạnh các giải pháp thì rừng tự nhiên Yên Bái mới ngày một phát triển, là “lá phổi” điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường, đồng thời là tạo điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Nguyễn Đình