YBĐT – Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống con người. Tình hình thời tiết, khí hậu năm 2013 tiếp tục được dự báo là diễn biến khó lường, nhất là sẽ xuất hiện nhiều cơn bão sớm với cường độ mạnh.
Là một tỉnh nằm sâu trong nội địa nhưng những năm qua Yên Bái vẫn chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Vùng cao chưa ai quên trận lở đất kinh hoàng ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) tháng 9/2012 làm 18 người chết và mất tích, để lại nỗi đau khôn nguôi.
Khu vực thành phố Yên Bái đặc biệt 4 năm gần đây thường xuyên xuất hiện những trận úng lụt mùa mưa, trong đó có những điểm cứ “đến hẹn lại lên” trong nhiều năm. Cùng với đó là những vụ sạt lở đất gây đổ nhà, chết người, ách tắc giao thông, vùi lấp dòng chảy khiến lũ lụt thêm trầm trọng.
Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể tới sự chủ quan của cả chính quyền các cấp và người dân! Rất nhiều dòng chảy cả tự nhiên và do con người xây dựng bị lấn chiếm hoặc bồi lắng mà không được giải tỏa hoặc nạo vét; ngay trước và cả trong mùa mưa bão mà vẫn để cho các hộ dân tiến hành thi công san tạo mặt bằng, đánh đất hạ mái ta luy; nhiều hộ dân quá chủ quan, nhất là ở vùng cao, mái nhà chênh vênh bám lấy khu vực nguy cơ sạt lở đất cao…
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là giảm bớt lũ lụt, sạt lở đất thì ngay từ bây giờ phải tiến hành nạo vét, khơi thông các dòng chảy, không biến dòng chảy thành nơi đổ rác. Ví dụ ở khu vực thành phố Yên Bái là các khu suối Sẻ, đoạn suối từ khu vực Đá Bia chảy qua phường Minh Tân và rất nhiều đoạn cống thoát nước ở khu vực Km 2 thuộc phường Yên Ninh và khu Km7 thuộc phường Yên Thịnh…
Chính quyền các địa phương cần huy động lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và người dân trên địa bàn phường, xã mình tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, qua đó tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Thành phố Yên Bái cũng phải giải quyết dứt điểm tình trạng hàng chục hộ xây nhà và các công trình khác trên suối Sẻ (đây được xem là nguyên nhân chính gây úng lụt tại khu vực Hào Gia và khu vực ngã tư Km4); phải chấm dứt ngay tình trạng đào đất trong khu vực nội thị và có các biện pháp hạn chế sạt lở cũng như ngăn bùn đất từ vị trí đào đắp chảy ra đường gây ách tắc hoặc bồi lấp dòng chảy; tiến hành nạo vét hệ thống cống thoát nước đoạn đường Điện Biên từ Trường tiểu học Lê Quý Đôn tới cầu Dài (khu vực từ nhiều năm qua cứ mưa lớn là ngập úng).
Các huyện, thị trong tỉnh cần tiến hành rà soát toàn diện các khu dân cư để đánh giá nguy cơ sạt lở ta luy, ngay từ bây giờ cương quyết di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm. Các cấp chính quyền và các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu có cơ chế, hình thức hỗ trợ di dân trong mùa mưa bão năm nay, nhất là ở vùng cao, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Nâng cao cảnh giác, có ý thức trách nhiệm và chủ động có những biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai là việc cấp thiết phải làm ngay trước khi mùa mưa bão, đừng để mọi sự đã rồi hối cũng không kịp; người dân nâng cao cảnh giác, không sống trong những ngôi nhà có ta luy cao, địa chất yếu khi mưa bão xảy ra, không xây dựng các công trình và có các hành động khác làm hạn chế dòng chảy. Mỗi người trước hết hãy trách nhiệm với chính mình để bảo vệ mình và cả cộng đồng trước những “cơn giận” bất thường của thiên tai.
Lê Phiên