YênBái – YBĐT – Cá ở hồ Thác Bà nhiều đến mức người dân ven hồ cứ nghĩ là nhiều vô tận, khiến họ càng ra sức khai thác một cách vô tội vạ, với rất nhiều kiểu đánh bắt khác nhau.
Hồ Thác Bà có tiềm năng to lớn về nguồn lợi thuỷ sản. Những ai đã từng đến đây những năm tám mươi trở về trước sẽ được ngắm nhìn những đàn cá thiểu, cá mè nhào vào mạn tầu mỗi khi tàu về cập bến Hương Lý, thời điểm ấy sản lượng khai thác cá mỗi năm hàng trăm tấn.
Khi cá hồ còn nhiều, bắt không khó thì người dân lại chỉ tìm cách bắt dễ nhất, nhanh nhất, được nhiều nhất… Thế là họ dùng mìn. Một quả mìn, hàng tạ cá chết nhưng một tỷ lệ rất thấp số cá ấy được bắt do chúng chết chìm. Sau mìn là lưới mắt nhỏ, dài hàng trăm mét, loại lưới ấy đem ra kéo vét thì từ cá lớn, cá nhỏ đến tôm tép đều bị bắt hết.
Khi thuốc nổ bị ngăn cấm, lưới vét bị thu giữ, ngư dân ven hồ chuyển sang máy kích điện. Từ nguồn điện ắc quy hoặc máy phát gắn kèm với động cơ đẩy, “thuỷ tặc” cứ phóng điện xuống nước là cá to, cá nhỏ chết nổi bụng rồi chỉ việc dùng vợt mà vớt. Nhưng đó là những con bị giật nặng, còn những con bị giật nhẹ sau đó mấy hôm mới chết hẳn hoặc mang thương tật suốt đời và trong bán kính vài mét của điểm phóng điện, từ trứng đến cá đều chết hoặc bị thương.
Ngư dân thì đẩy mạnh khai thác bằng mọi hình thức, mọi thời gian, mọi thời điểm (kể cả bãi cá đẻ, mùa cá đẻ) mà ngành chức năng lại thiếu người, thiếu phương tiện quản lý bảo vệ nên cá ở hồ Thác Bà ngày càng ít đi.
Giống cá măng trước đây nhiều là thế mà đến nay không ai bắt được một con nào, có người bảo giống cá này đã tiệt chủng, không biết đã đến mức ấy chưa vì chưa ai điều tra nhưng chỉ nghe vậy đã xót xa quá rồi! Một thí dụ điển hình cho việc cá Thác Bà ngày càng khan hiếm, đó là trong thực đơn của các quán cá ở Km 9, Km 10 có những món đặc sản như: canh cá ngạnh, cá vền rán… những giống cá trước đây nhiều vô kể mà ít ai muốn ăn.
Khi nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Thác Bà bị khai thác bừa bãi đến cạn kiệt thì chính người dân ven hồ là những người chịu nhiều hậu quả nhất. Làng ven hồ sống nhờ hồ vậy mà đến nay kiếm con cá ăn còn khó chứ chưa nói đến kiếm cá bán. Vì dùng mìn bắt cá mà hàng trăm người đàn ông sống quanh hồ đã mang thương tật suốt đời, nhiều nhất là cụt tay do mìn phát nổ khi chưa tới nước hoặc không kịp ném, nổ ngay trên tay.
Không thể không nhắc đến sự cố gắng của Trung tâm Thủy sản mỗi năm đã nuôi ươm và thả hàng triệu cá giống ra hồ Thác Bà, tích cực tuần tra phát hiện và bắt giữ những trường hợp, những công cụ đánh bắt trái phép.
Nhưng chỉ có vậy thì không đủ mà cần phải xã hội hóa công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên hồ, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương và nhất là cần giáo dục người dân ven hồ khai thác cá một cách hợp lý, thấy được bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên hồ chính là bảo vệ cuộc sống của chính bản thân họ.
Chỉ khi nào việc dùng mìn bị ngăn chặn hoàn toàn, chỉ lúc nào người dân không dùng điện, dùng lưới mắt nhỏ, không đánh cá trong bãi cá đẻ… thì khi ấy đàn cá Thác Bà mới hồi sinh và phát triển, chợ cá Cảm Nhân mới lại tấp nập như ngày nào.
Tấn Đạt