YBĐT – Là cây trồng không thể thay thế trong tập đoàn cây công nghiệp ở Yên Bái suốt hơn 40 năm qua, mỗi năm cây chè đem về trên 400 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.
Song, do việc thu hái “tận diệt” và cách đầu tư chăm sóc theo kiểu “bóc màu” của một số doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn tỉnh những năm qua đã làm cho chè không thể trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở Yên Bái.
Với trên 12 nghìn ha, trong đó có khoảng hơn 11 nghìn ha chè kinh doanh, nếu tính cả tổng số lượng chè búp tươi bán ra ngoài thì sản lượng chè búp tươi của tỉnh Yên Bái khoảng 100 ngàn tấn, trong đó có gần 50% sản phẩm chè thu mua và chế biến tập trung vào các công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, HTX và các hộ gia đình; phần doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Sự bung ra của các doanh nghiệp tư nhân những năm qua là cần thiết, nhưng năng suất lao động thấp, diện tích sản xuất manh mún khiến thu nhập của nông dân trồng chè chưa đảm bảo được cuộc sống nên cơ hội đầu tư vào cây chè ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi trình độ canh tác, chế biến của các nước đang ngày càng vượt xa hơn Việt Nam thì ở nhiều địa phương, trong đó có Yên Bái vẫn còn nạn “chè liềm”, chè “bom”.
Điều đó lý giải vì sao sản phẩm chè của Yên Bái chỉ ở mức trung bình yếu so với các địa phương làm chè khác trong nước từ chất lượng, giá thành sản phẩm đến năng lực cạnh tranh.
Người làm chè Yên Bái hẳn vẫn chưa quên sự tàn phá ghê gớm của nạn chè vàng, chè bẩn đối với ngành công nghiệp chế biến chè địa phương. Hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp chè lao đao khốn khó, không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Thế nhưng, đứng ngoài cơn lốc ấy, HTX chè Hương Lý vẫn phát triển và duy trì ổn định vùng nguyên liệu trên 300 ha, doanh thu hơn 6 tỷ đồng. HTX tập trung đầu tư máy móc thiết bị, cho ra 5 loại sản phẩm chè xanh được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đặc biệt, trong khi nhiều doanh nghiệp chạy theo số lượng, sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ thấp chất lượng và uy tín của ngành chè thì năm 2012, sản phầm của HTX chè Hương Lý đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Thực phẩm Việt, vì chất lượng người Việt. Điều này cho thấy việc khẳng định uy tín chất lượng và thương hiệu sản phẩm có thể coi là “chìa khóa” mở hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hiện nay, Yên Bái mới chỉ có 2 – 3 dây chuyền sản xuất chè tương đối hiện đại theo công nghệ CTC, còn lại chủ yếu vẫn là sản xuất chè đen bán thành phẩm theo công nghệ orthodox. Biết chè đen giá thấp nhưng bán ra vẫn lãi nên không mấy doanh nghiệp dám đầu tư công nghệ mới. Chính sách cộng sinh được các doanh nghiệp chế biến chè tư nhân áp dụng hiệu quả trong bối cảnh tranh mua tranh bán nguyên liệu, nhất là chất lượng nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp chế biến này đang ngày càng kém đi.
Trong hành trình hướng đến một nền sản xuất chè có trách nhiệm, ngành chè Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình “Vì sản phẩm trà an toàn, sản xuất có trách nhiệm” mà theo ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, ý thức của người nông dân, người sản xuất cần phải được thay đổi đầu tiên.
Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè và Đề án sản xuất kinh doanh chè 2005 – 2010, định hướng đến năm 2020 đã đi vào thực hiện song vẫn còn rất nhiều việc phải bàn và phải làm.
Câu chuyện của không riêng ngành chè Yên Bái vẫn còn là vấn đề nan giải khi mà mối liên kết 3 nhà: nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp thiếu vắng sự gắn kết khăng khít và miếng bánh lợi nhuận thì chưa thực sự được chia đều cho người nông dân.
Phạm Minh