Yên Bái có điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Thời gian gần đây, loại hình du lịch homestay rất phát triển, giúp tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân. Toàn tỉnh hiện có 153 hộ gia đình làm du lịch homestay, chủ yếu ở thị xã Nghĩa Lộ, các huyện: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Yên Bình, Lục Yên. Mỗi địa phương đều khai thác thế mạnh văn hóa, điều kiện tự nhiên làm sức hút du khách.
Từ đó, hình thành 4 vùng du lịch với nét đặc thù và độc đáo riêng. Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm lòng hồ kết hợp với các loại hình du lịch khác. Vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận đóng vai trò “cổng kết nối” đón chào du khách trong nước, quốc tế.
Vùng du lịch miền Tây lưu giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của người Thái, Mông, Mường cùng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Vùng du lịch Trấn Yên – Văn Yên với điểm nhấn là du lịch tín ngưỡng tâm linh đền Đông Cuông và đền Nhược Sơn.
Nhiều chương trình, lễ hội đã trở thành thương hiệu du lịch của Yên Bái như Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò, Lễ hội khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội Bưởi Đại Minh; Lễ hội Quế Văn Yên; Festival “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn”; Festival Dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” và “Bay trên mùa vàng”…
Kinh tế phát triển, cùng với sự giao thoa văn hóa, với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, ý thức của người dân đã nâng lên trong gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, danh thắng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về việc phát triển du lịch bền vững; có chỗ, có nơi chưa thực sự có ý thức gìn giữ, tôn tạo những nét văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy đã nêu rõ: đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch của tỉnh theo chiều sâu, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Do đó, cần tiếp tục triển khai đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; khuyến khích người dân phát triển loại hình nhà nghỉ cộng đồng (homestay), vận động và hỗ trợ nhân dân xây dựng bản du lịch cộng đồng; phục dựng, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa với nhiều nghệ thuật trình diễn dân gian được trình đề nghị công nhận Di sản phi vật thể của quốc gia, nhân loại. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở…
Để phát triển bền vững, cần đồng thời thực hiện 3 mục tiêu: phát triển có hiệu quả về kinh tế; phát triển hài hòa các mặt xã hội, nâng cao mức sống, trình độ sống của các tầng lớp dân cư; cải thiện môi trường môi sinh, bảo đảm phát triển lâu dài vững chắc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Do vậy, cần có sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, nhà quản lý và cả du khách, trong đó phải thực hiện được những nguyên tắc: khai thác, sử dụng các tài nguyên một cách hợp lý; hạn chế sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải; phát triển du lịch gắn với bảo tồn tính đa dạng.
Phát triển phải phù hợp với tổng thể kinh tế – xã hội; chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch; thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng liên quan; chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức về tài nguyên môi trường.
Thanh Ba