YênBái – Năm 2023, tỉnh Yên Bái phấn đấu tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đạt tối thiểu 27,5%; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT vào học GDNN đạt tối thiểu 44,6%.
Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” ngày 14/2/2023 của UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về GDNN, tuyển sinh đào tạo nghề, thị trường lao động và dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm đối với học sinh tốt nghiệp THCS, THPT.
Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối thông tin tuyển dụng lao động và tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm đầu ra cho người học.
Ngành giáo dục và đào tạo đã phối hợp với ngành lao động – thương binh và xã hội, các địa phương trong tuyên truyền GDNN, thông tin thị trường lao động, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, tuyển dụng lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực, các chính sách ưu đãi trong học nghề; tư vấn hướng nghiệp học nghề, việc làm…
Sở Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT gắn với việc vận động, định hướng học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ theo mục tiêu phân luồng của tỉnh; khảo sát thống kê nhu cầu tiếp tục học tập sau tốt nghiệp THCS của học sinh lớp 9 và lớp 12.
Từ đó, định hướng cho học sinh các hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sức học, năng lực, sở trường, nguyện vọng học tập, điều kiện hoàn cảnh gia đình, đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu học nghề với nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động…
Các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở GDNN tăng cường liên kết tổ chức cho học sinh vừa học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề đảm bảo chất lượng; tăng cường gắn kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong công tác tuyên truyền, định hướng, tư vấn tuyển sinh, tư vấn việc làm cho học sinh.
Với mục tiêu phấn đấu trên 80% số trường THCS và trên 85% số trường THPT có chương trình GDNN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; trên 80% số trường THCS và trên 74% số trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp đạt tối thiểu 27,5%; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đạt tối thiểu 44,6%, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo, lao động – thương binh và xã hội, cần có sự chung tay, phối hợp kịp thời, hiệu quả hơn nữa của cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Minh Huyền