YênBái – YBĐT – Năm 2007, tổng vốn bố trí cho Chương trình 134 ở tỉnh Yên Bái là 58.195 triệu đồng. Đến tháng 5/2008, toàn tỉnh đã thực hiện đạt 54.077,4 triệu đồng, bằng 92,9% kế hoạch.
Chương trình 134 thực hiện theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg được triển khai thực hiện từ năm 2005 với 4 nội dung: Giải quyết đất ở; nước sinh hoạt; đất sản xuất; nhà ở; cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở nông thôn, kể cả các thôn, bản, xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Năm 2007, tổng vốn bố trí cho Chương trình 134 ở tỉnh ta là 58.195 triệu đồng. Đến tháng 5/2008, toàn tỉnh đã thực hiện đạt 54.077,4 triệu đồng, bằng 92,9% kế hoạch.
Với nguồn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, cùng với cố gắng của nhân dân, toàn tỉnh đã khai hoang, chuyển nhượng điều chỉnh từ các hộ có nhiều ruộng cho hộ nghèo được 502,9 ha, giúp cho 3113 hộ nghèo có thêm ruộng cấy. Các địa phương cũng đã tạo quỹ đất ở, nhất là những hộ quá nghèo không có đất ở trong sinh sống ở khu vực không an toàn với tổng diện tích 13 ha cấp cho 650 hộ. Nguồn vốn Chương trình 134 cũng đã đầu tư 31.905 triệu đồng hỗ trợ 6.381 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số làm nhà ở, đạt 99,6% kế hoạch năm 2007. Trong toàn tỉnh cũng đã hỗ trợ các gia đình xây dựng 6.256 bể và một số téc nước; đào 1.617 giếng nước cho các hộ gia đình; xây dựng 29 công trình cấp nước tập trung. Tổng giá trị các công trình giải quyết nước sinh hoạt cho các hộ thuộc Chương trình 134 năm 2007 đạt 35.572,5 triệu đồng.
Chính sách lớn này của Nhà nước nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng chậm phát triển, điều kiện tự nhiên khó khăn, dân trí không đồng đều và nhìn chung còn hạn chế. Chính phủ đã chỉ rõ phương châm thực hiện là: Nhân dân, các hộ nghèo tự lực cánh sinh là chính, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ. |
Năm 2008, UBND tỉnh đã giao vốn thực hiện Chương trình 134 cho các địa phương là 36.180 triệu đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn chương trình 134 Chính phủ cấp cho tỉnh theo đề nghị của tỉnh ta chỉ còn thiếu 4 tỷ đồng. Theo quyết định của Chính phủ thì Chương trình 134 phải hoàn thành trong năm 2008. Năm 2007 với mức kế hoạch trên 58 tỷ mà chúng ta đã hoàn thành thì mức đầu tư năm 2008 là không cao.
Để hoàn thành tốt 4 nội dung của chương trình, Ban chỉ đạo do đồng chí Nguyễn Văn Bình – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban vừa họp với các ngành, các địa phương, thống nhất: về nhà ở những huyện thực hiện chưa hết số lượng đề án đã xây dựng như Văn Chấn cần xem xét tính toán kỹ, nếu thấy cần thiết bố trí bổ sung thì làm việc với Ban chỉ đạo tỉnh. Đối với các công trình nước sinh hoạt tập trung thì cần rà soát lại các công trình đã thông báo, đảm bảo xuất đầu tư hợp lý và hiệu quả, xác định quy mô công trình phù hợp với vốn được thông báo, ưu tiên cho những thôn bản đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Thực tế năm 2007 cho thấy, với mức đầu tư 19.592,8 triệu đồng cho công trình nước riêng lẻ đã có 7873 hộ được hưởng lợi, trong khi đầu tư 15.979,7 triệu đồng cho các công trình nước tập trung chỉ có 2397 hộ được hưởng.
Như vậy, với hơn 19,5 tỷ đồng đã hỗ trợ được gấp 3 lần số tiền 16 tỷ xây dựng công trình nước tập trung. Có những công trình nước tập trung như ở Động Quan (Lục Yên) còn để dư luận nhân dân dị nghị về chất lượng, sử dụng không đúng vật tư theo dự toán thiết kế. Rõ ràng đầu tư cho hộ là hiệu quả hơn nhưng các địa phương không mấy mặn mà vì không có phí quản lý như công trình nước tập trung. Tuy nhiên, ở đây cũng cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp về tinh thần phục vụ người nghèo, không phải lúc nào, việc gì cũng phải có chi phí mới tích cực làm, ở đây cần đề cao trách nhiệm, đạo lý đối với người nghèo của đội ngũ cán bộ.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình 134 đề ra trong năm 2008, các địa phương, nhất là cơ sở cần thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ bình xét từ cộng đồng dân cư, đầu tư đúng đối tượng, chống dân chủ hình thức. Cán bộ, đảng viên đang tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” càng nên gương mẫu, có trách nhiệm với dân, không vụ lợi, lạm dụng lôi kéo cho anh em, người thân của mình được hưởng lợi không đúng đối tượng.
Chương trình 135 giai đoạn II tại tỉnh Yên Bái có 59 xã 148 thôn ở các xã vùng II được tham gia và thời gian thực hiện từ năm 2006 – 2010.
Năm 2007 Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135 giai đoạn II) được bố trí 130 công trình gồm: giao thông, thủy lợi, đường điện, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng nông thôn… đã thực hiện đạt 52.546,4 triệu đồng, vượt 5,6% kế hoạch. Dự án xây dựng trung tâm cụm xã bố trí tại 19 xã đều đã được triển khai với tổng mức đầu tư 10,04 tỷ đồng.
Đến nay, còn công trình phòng khám đa khoa khu vực Púng Luông (Mù Cang Chải) và cầu treo trung tâm xã Minh Tiến (Lục Yên) chưa hoàn thành. Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình 135 giai đoạn II là nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các hộ nghèo. Thực hiện dự án, năm qua, toàn tỉnh đã mở 73 lớp đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, dạy nghề cho 3.385 người với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Năm 2008, sẽ mở tiếp 2 lớp kế toán xây dựng cơ bản và bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc cho cơ sở. Trong chương trình 135 giai đoạn II có Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được coi là đầu tư trực tiếp tới “nồi cơm” của người dân.
Năm 2007, được bố trí 12.725,2 tỷ đồng đã hỗ trợ hộ nghèo về giống cây trồng, vật tư sản xuất nông nghiệp, giống vật nuôi, tổng giá trị 3.417,8 triệu đồng; mua 4133 máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất giá trị 5.560,6 triệu đồng cấp cho các hộ và nhóm hộ nghèo thuộc các xã 135 giai đoạn II. Năm 2007 Chính phủ có quyết định bổ sung cho 6 xã: Tú Lệ, Gia Hội, Bình Thuận, Hạnh Sơn, Phúc Sơn (Văn Chấn) và Văn Lãng (Trấn Yên) vào diện đặc biệt khó khăn và được bố trí vốn đầu tư 5.160 triệu đồng. Đến cuối năm 2007 cũng đã cơ bản hoàn thành 4 dự án hợp phần, đạt các mục tiêu đề ra.
Chương trình 135 còn thời gian thực hiện đến năm 2010. Để cho Chương trình 135 thực sự phát huy hiệu quả, các địa phương, cơ sở cần quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành ở trung ương và tỉnh, đảm bảo bình xét dân chủ thật sự, đúng đối tượng là hộ nghèo bố trí đầu tư đúng mục đích, nhất là các công trình, mô hình sản xuất công cụ máy móc phải từ người dân xây dựng dự án và trở lại cho người dân thực hiện, khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, áp đặt, thiếu công bằng như đã xảy ra ở một số nơi. Các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho người dân có việc làm, thu nhập từ các công trình xây dựng ở địa phương mình. Trong tình hình hiện nay, việc đồng tiền trượt giá do vật liệu tăng nhưng nhiều địa phương triển khai quá chậm các dự án chương trình 135 là rất đáng lo ngại.
Theo báo cáo của các địa phương, đến đầu tháng 6/2008 mới rải ngân được 1,9 tỷ đồng/kế hoạch 39 tỷ của năm 2008 đặt ra khó khăn lớn cho việc hoàn thành các chương trình đã ghi kế hoạch nếu các địa phương không khẩn trương quyết liệt hơn. Việc phân cấp cho xã chưa mạnh. Thực tế đội ngũ cán bộ xã vùng cao đã được tập dượt khá nhiều qua thực hiện các dự án: dự án Giảm nghèo, dự án Chia sẻ, nhưng nhiều huyện vẫn tỏ ra băn khoăn dè dặt, vẫn muốn ôm đồm để huyện làm chủ đầu tư. Thiết nghĩ, các cấp ban chỉ đạo cần mạnh dạn phân cấp hơn nữa bởi vì càng dân chủ, công khai, minh bạch thì càng hạn chế thất thoát, tiêu cực, để người dân được hưởng lợi từ dự án nhiều hơn.
Công tác tuyên truyền vẫn được chú trọng hơn để người dân được hưởng dự án hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ, khắc phục tư tưởng ỷ lại ở người dân, sự ban phát ở người thực hiện dự án dẫn đến tùy tiện, sai đối tượng trước hết do nhận thức chưa đúng ngay cả ở một số cán bộ cấp huyện.
Khắc phục được những tồn tại trên, triển khai với tinh thần tích cực, khẩn trương, quyết liệt hơn, tin rằng năm 2008 tỉnh ta sẽ hoàn thành Chương trình 134 một cách tốt đẹp và tiếp tục thực hiện Chương trình 135 đạt kết quả.
Ngân Hà