YênBái – YBĐT – Thác Bà, một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất của Việt Nam, là công trình thuỷ điện đầu tiên của miền bắc XHCN, được hoà lưới quốc gia từ tháng 5- 1971. Với diện tích lưu vực 6.170 km2; diện tích mặt thoáng 234 km2; dung tích hồ chứa đạt 2,940 tỷ m3 nước; hồ dài trên 80 km thuộc hệ thống sông Chảy qua hai huyện: Lục Yên, Yên Bình và nằm kề bên thành phố Yên Bái, có chức năng phát ba tổ máy với tổng công suất 108 Mê-ga-oát, đồng thời điều tiết nước tưới và cắt lũ cho vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng. Nhưng với việc khai thác cạn kiệt tài nguyên nước như hiện nay, đang đặt ra câu hỏi cho vấn đề lợi ích kinh tế của tỉnh Yên Bái với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có mang tính đồng thuận, cùng tồn tại và phát triển?
Ngay trong đầu tháng sáu, mực nước hồ ở cốt nước 46,74 m (cao hơn mực nước chết đúng 0,74 m), hiệu quả phát điện thấp, cho dù lượng nước qua cửa xả không thay đổi vì áp lực nước không đạt theo thiết kế ban đầu ở 58 m. Ngày 27- 6, sau những ngày mưa lớn nước hồ chỉ dâng lên đạt 47,8 m, suốt chiều dài hồ trơ ra những mảnh đất đỏ của trên 1.300 đảo nhỏ cùng với những ngách nước cạn, khiến cho nhiều hoạt động vốn có trên hồ bị đảo lộn.
Khuôn mặt và nước da sạm nắng của ông Vũ Tiến Bộ, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, như khẳng định sự lo lắng đưa Nhà máy vào vận hành đúng tiến độ. Không giấu nổi búc xúc, ông Bộ cho biết: Theo đúng cam kết của của tỉnh và thiết kế của công trình quốc gia, chúng tôi đã đầu tư trên 1.200 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Xi măng lò quay, thiết kế công trình trên cốt nước dâng 62 m; đồng thời đầu tư trên 80 tỷ cho hai hệ thống băng tải đá khép kín, hệ thống cần cẩu trục hiện đại và đội xà lan vận chuyển nguyên liệu về. Nhưng trên một tháng nay do mực nước hồ Thác Bà xuống quá thấp, làm ngưng trệ hoàn toàn việc vận chuyển bằng đường thuỷ. Chúng tôi đã dùng ô tô vận chuyển nguyên liệu ở cự ly 30 km, đội giá thành thêm 65 ngàn đồng/tấn, nhưng không đảm nhiệm được việc cung ứng 3.000 tấn đá vôi/ngày. Hiện tại, Công ty phải bỏ thêm 8 tỷ đồng nạo vét đường thuỷ cho xà lan ra vào vận chuyển hàng. Sản xuất xi măng, chúng tôi chỉ mong trời nắng, nay ngược lại chỉ mong mưa để có nước dâng, thiết nghĩ tỉnh Yên Bái cần có tác động tích cực với EVN nhằm tìm sự đồng thuận, không để làm nản lòng các nhà đầu tư vào Yên Bái.
Trên thân đập chính của Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, chúng tôi quan sát hiện chỉ thấy có hai tổ máy phát hoạt động; một số công nhân đang khẩn trương sửa chữa tổ máy thứ ba đang trục trặc kỹ thuật. Ông Nguyễn Quốc Chi, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà giãi bày: Chúng tôi không muốn tình trạng này xảy ra do hiệu suất phát điện không cao, bởi nếu phát điện ở cốt nước 46 m sẽ bị nước xâm thực các tổ máy, ảnh hưởng xấu đến các tuốc- bin; nhưng do phải bảo đảm an ninh lưới điện quốc gia, đồng thời do xa các nguồn điện khác buộc phải phát điện để bù tần số cho lưới điện tránh sự cố xảy ra.
Được biết, Công ty thủy điện Thác Bà đã tiến hành cổ phần hoá gần ba năm nay, việc phát điện phụ thuộc lớn vào Trung tâm Điều độ (A0) của EVN, vì thường không muốn huy động các nhà máy ngoài ngành khi thiếu nguồn do phải mua giá cao; bản thân đơn vị không còn được huy động phát điện vào giờ cao điểm, là những giờ được tính giá bán điện cao hơn, nên khi nước hồ đã cạn đến cốt qui định vẫn phải vận hành máy phát điện theo chỉ đạo. Hiện Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà chỉ nộp thuế tài nguyên nước cho ngân sách (khoảng 20 tỷ đồng/năm), chưa nộp tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất mà toàn bộ công trình đang sử dụng với diện tích 234 km2, cần được các ngành xem xét. |
Mực nước hồ xuống thấp, một bộ phận người dân vùng hồ được hưởng lợi. Đó là huyện Yên Bình cấy được 146 ha lúa chiêm xuân dưới cốt nước 58m; trồng được 300 ha lạc xuân; việc đánh bắt thuỷ sản bằng lưới vét thuận lợi hơn. Nhưng hệ quả của nước cạn cũng đang báo động tình trạng đào đá quí trái phép gia tăng tại vùng bán ngập, thậm chí có tư nhân dùng cả tàu hút để khai thác, tìm kiếm đá quí trên vùng hồ, gây ra tình trạng lộn xộn về an ninh trật tự trong khu vực. Do nước hồ cạn, Tuần lễ Khám phá Thác Bà, nằm trong tổng thể Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2008 do tỉnh Yên Bái đăng cai đã bị hoãn vô thời hạn.
Hồ Thác Bà ở cốt nước 47
Ngay tại Khu du lịch Tân Hương, cả đoàn tàu sắt và thuyền đạp nước nằm trơ trên bến, không có bất cứ khách du lịch nào đến vui chơi giải trí, đang làm đau đầu nhà đầu tư vì đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào nơi này. Đây là một thiệt hại lớn cho tỉnh, khi mục tiêu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng nơi đây đang trở nên quá xa vời. Bị ảnh hưởng liên quan còn phải kể đến ngành thuỷ sản, khi theo qui luật vào tháng sáu nước đã dâng cao để cho loài cá đẻ trứng dính vào các bãi đẻ tự nhiên sinh sản thì đến nay không còn; trên 200 lồng cá của ngư dân vùng hồ phải kéo về phía vùng nước sâu hơn, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho thành phố Yên Bái đang đến rất gần.
Ông Tạ Công Lộc, Phó giám đốc Trung tâm Thủy sản Yên Bái cũng kiến nghị ngành điện cần có giải pháp khai thác nguồn thuỷ năng hợp lý, không được tận thu phát điện ở cốt nước chết như hiện thời.
Khu du lịch Tân Hương không một bóng khách du lịch.
Để có một hồ thuỷ điện Thác Bà như hôm nay, hơn năm vạn đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Cao Lan, Dao… trong vùng lòng hồ đã phải di chuyển đi nơi khác. Vậy mà, hiện còn hàng trăm thôn, bản của 44 xã nơi đồng bào đến định cư gần 40 năm nay vẫn chưa được hưởng ưu đãi đường điện, cho dù phải mua theo giá thị trường. Vấn đề an sinh xã hội cho đồng bào trong vùng đang đặt ra câu hỏi, các ngành chức năng cần sớm có lời giải , không để xảy ra tình trạng “đánh mất đồng bào, hao tài nguyên, tuyên chiến với ô nhiễm môi trường” như hiện nay.
Thanh Sơn