YênBái – YBĐT – Giảm tải bệnh viện với ngành y tế cả nước nói chung và y tế tỉnh Yên Bái nói riêng có lẽ thực sự là bài toán khó mà đến nay lời giải vẫn đang còn là ẩn số.
Yên Bái hiện có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 bệnh viện tuyến huyện, 26 phòng khám đa khoa khu vực và 178 trạm y tế cơ sở. Nhưng với tỷ lệ 29,81 giường bệnh/10.000 dân thì xem ra vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh của hơn 70 vạn đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh miền núi này.
Nguyên nhân chính ở đây là sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên và sự thiếu hoàn thiện về cả con người lẫn cơ sở vật chất của các bệnh viện tuyến dưới.
Chúng tôi còn nhớ như in hình ảnh ông cán bộ xã Tà Xi Láng huyện Trạm Tấu (một trong 2 xã người Mông xa nhất tỉnh) phải thuê người cáng bà vợ bị ốm đi bộ năm sáu chục cây số đường núi giữa cái nắng chói chang gay gắt của mùa hè xuống bệnh viện thị xã nghĩa Lộ để thăm khám “vì trang thiết bị của Trạm cũng như trình độ của cán bộ y tế nơi đây không thể đáp ứng”.
Vì thế, không chỉ Tà Xi Láng mà người dân tất cả các xã khu ba đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Trạm Tấu và một số xã vùng cao huyện Mù Cang Chải khi có bệnh đều phải đi cả ngày đường bằng đôi chân trần xuống Nghĩa Lộ để khám bệnh bởi nếu đi ngược về trung tâm huyện cũng phải mất gần ngày đường nữa.
Và như thế, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên luôn là nỗi lo thường trực không chỉ với đội ngũ cán bộ, y bác sỹ mà còn cả với những bệnh nhân cũng như người nhà của họ. Đó là những lo lắng rất chính đáng bởi nếu y, bác sỹ phải làm việc quá tải vì bệnh nhân đông thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh và gây ảnh hưởng gián tiếp đến tình trạng sức khỏe của chính người bệnh.
Chị Giàng Thị Pàng – dân tộc Mông xã Làng Nhì (Trạm Tấu) không chút do dự khi trả lời câu hỏi tại sao lại chọn khám ở bệnh viện Nghĩa Lộ?: “Bác sỹ thì giỏi hơn thầy mo rồi, nhưng mà đi về bệnh viện huyện thì xa quá, con bệnh nó không chịu được, phải đưa xuống Nghĩa Lộ cho gần hơn”.
Được biết, Bệnh viện thị xã Nghĩa Lộ năm 2006 đã khám chữa bệnh được cho trên 75 ngàn lượt bệnh nhân thì chỉ có hơn 8000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, còn lại là khám chữa bệnh ngoại trú. Riêng số bệnh nhân chuyển tuyến từ huyện Trạm Tấu về đây là 46 bệnh nhân và từ huyện Mù Cang Chải chuyển về là 156 bệnh nhân. Trong quý 1/2007 số bệnh nhân từ 2 huyện vùng cao này phải chuyển tuyến về bệnh viện Nghĩa Lộ lên tới gần 200 bệnh nhân. Theo đó, số bệnh nhân chuyển tuyến từ bệnh viện thị xã Nghĩa Lộ lên các bệnh viện tuyến trên trong năm 2006 là 942 người bệnh (có 80 bệnh nhân phải chuyển bệnh viện Trung ương).
Theo số liệu báo cáo của cơ quan chuyên môn Sở Y tế Yên Bái thì tổng số bệnh nhân trong toàn tỉnh phải chuyển tuyến năm 2005 là 20.084 ca, đến năm 2006 con số này đã tăng lên 28.269 ca. Trong đó tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh con số này cũng tăng từ 4.141 ca năm 2005 lên 4.986 ca năm 2006.
Nói về tình trạng quá tải bệnh viện, ngoài những vấn đề về cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ thì ý thức và thái độ thiếu tinh thần hợp tác, không tin tưởng vào bác sỹ của một bộ phận người nhà bệnh nhân cũng là một trong những tác nhân không nhỏ.
Bác sỹ Trịnh Trung – điều trị Khoa chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã đưa ra một ví dụ “hết sức quá tải” trong đêm 30 Tết đinh Hợi vừa qua là đã có tới 26 ca nhập viện vì TNGT thì bệnh nhân vào khoa chấn thương của anh lên tới con số 17, trong khi chỉ có 1 bác sỹ và 2 y tá trực đảm nhận công việc. Điều này đã khiến họ phải rất mệt mỏi và tăng cường độ làm việc nhưng sự quá tải ấy cũng không khiến họ bức xúc bằng ý thức coi thường y bác sỹ của người nhà một bệnh nhân cứ “nằng nặc đòi đưa người thân của mình đi Hà Nội” trong khi điều kiện khám chữa bệnh của bệnh viện tỉnh với bệnh nhân này là “trong tầm tay”. Chính vì ý thức thiếu tôn trọng và thái độ không hợp tác đó của thân nhân người bệnh mà bệnh nhân đã bị tử vong “trên đường chuyển tuyến”.
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ và tạo mọi điều kiện của Nhà nước, Yên Bái đã và đang tiến những bước dài trong chương trình thực hiện phấn đấu Chuẩn Quốc gia y tế cơ sở. Đến hết năm 2006 đã có 64/180 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế, bằng 35,5% vượt 6,7% so với mục tiêu đề ra. Đến nay Yên Bái đã đạt tỷ lệ 6,3 bác sỹ/1 vạn dân với 98% số xã có trạm y tế. Tuy vậy thực tế công tác chăm sóc, khám chữa bệnh hiện nay của Yên Bái sẽ là rất khó khăn khi phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2008 ở 100% số xã trong tỉnh có trạm y tế và đến năm 2010 toàn tỉnh đạt 80% số xã có bác sỹ.
Mặc dù về con người, Sở Y tế đã đưa ra giải pháp nhằm cân đối bác sỹ giữa các tuyến từ tỉnh đến huyện và tuyến xã bằng cách điều động bác sỹ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên công tác tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Trung bình mỗi bác sỹ đi “cắm huyện” từ 3-6 tháng, song đến nay Yên Bái mới chỉ đạt tỷ lệ 39% số xã có bác sỹ (kể cả Phòng khám đa khoa khu vực).
Bên cạnh những đơn vị đạt chuẩn hoặc cận chuẩn Quốc gia về y tế xã vẫn còn rất nhiều đơn vị chưa đạt bởi cơ sở vật chất của các trạm y tế không đảm bảo. Hầu hết các cơ sở này đều thiếu phòng làm việc, thiếu các công trình phụ trợ và đã quá xuống cấp như các trạm y tế phường Yên Ninh, Minh Tân (thành phố Yên Bái); các xã Đại Phác, Lâm Giang, Quế Hạ (huyện Văn Yên); trạm y tế xã Văn Tiến (huyện Trấn Yên)… đó là còn chưa kể đến những cơ sở trạm ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc và các xã đặc biệt khó khăn của những huyện vùng cao xa trung tâm tỉnh!… Phải chăng đó là những lý do bất khả kháng cho tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên?
Xem ra bài toán giảm tải với ngành y tế nói chung và y tế miền núi Yên Bái nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Lời giải của bài toán ấy vẫn đang chờ kết quả thực hiện Đề án Chuẩn Quốc gia về y tế xã và những giải pháp đồng bộ mang tính bền vững của ngành y tế.
Thanh Hương