YBĐT – Hiện nay, trên thị trường có khoảng gần 1.000 hoạt chất tân dược và hàng trăm loại dược liệu đang được bán tại các quầy thuốc, nhà thuốc tây y, đông y, các công ty kinh doanh thuốc và đang được sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh… Đây là khó khăn, thách thức đối với những cán bộ làm công tác công tác kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm ở Yên Bái.
Bà Phạm Thị Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm (trực thuộc Sở Y tế) nêu những khó khăn của Trung tâm trong công tác kiểm tra, giám sát thuốc – mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh thời gian qua: “Đúng ra, theo lộ trình của Bộ Y tế quy định, đến năm 2005 Trung tâm phải đạt tiêu chuẩn nguyên tắc thực hành kiểm nghiệm tốt phòng kiểm nghiệm thuốc tiêu chuẩn GLP (phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới), nhưng đến nay vẫn chưa đạt. Hiện Trung tâm mới kiểm nghiệm được 112 hoạt chất tân dược đang bán và sử dụng trên địa bàn tỉnh. Với thuốc đông dược cũng rất khó kiểm tra, giám sát vì công tác quản lý đông dược hiện nay đang là vấn đề phải bàn. Đối với mặt hàng mỹ phẩm cũng chưa kiểm nghiệm được nhiều do thiếu trang thiết bị. Cũng vì thiếu trang thiết bị nên có một số mẫu thuốc tân dược Trung tâm không thể kết luận vì không kiểm tra được toàn diện các chỉ tiêu…”.
Trong quá trình kiểm nghiệm thuốc tân dược và đông dược cũng như mỹ phẩm, Trung tâm đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vì không chỉ thiếu trang thiết bị, thiếu kinh phí hoạt động do các dụng cụ và hóa chất để kiểm nghiệm nhiều loại tăng gấp đôi so với năm 2008, mà còn thiếu cả cán bộ làm việc. Theo quy định kiểm nghiệm viên phải là dược sỹ đại học, nhưng vì thiếu dược sỹ đại học nên Trung tâm vẫn phải bố trí dược sỹ trung học mà đây chính là một trong những tiêu chí bắt buộc để đạt được tiêu chuẩn GLP.
Cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm tỉnh kiểm nghiệm các mẫu thuốc tân dược.
Thực tế những năm qua trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện có thuốc giả, nhưng thuốc không đảm bảo chất lượng do bảo quản, thuốc quá đát vẫn bày bán tại một số quầy thuốc, nhà thuốc địa phương hoặc để trong tủ thuốc của một số cơ sở y tế…. Năm 2009, Trung tâm đã lấy 489 mẫu thuốc tân dược, đông dược và mỹ phẩm tại 195 điểm trên địa bàn tỉnh để kiểm nghiệm tại Trung tâm và gửi về Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Qua công tác kiểm nghiệm cho thấy có 7 mẫu thuốc không đạt chất lượng, trong đó 6 mẫu dược liệu đang được lưu hành tại một số nhà thuốc và cơ sở y tế thuộc các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Năm 2010, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng thuốc tại Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Bệnh viện tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền và các cơ sở ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trung tâm đã lấy 522 mẫu thuốc và mỹ phẩm kiệm nghiệm tại Trung tâm và gửi về Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương để kiểm nghiệm thì có 7 mẫu không đạt chất lượng chủ yếu đang lưu hành tại một số nhà thuốc và cơ sở y tế ở các huyện: Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái và 01 mẫu của Công ty TNHH Thanh Phương (thành phố Yên Bái) không đạt chất lượng… Trung tâm đã kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng thu hồi, tiêu hủy.
Một vấn đề rất lo ngại hiện nay là công tác quản lý chất lượng thuốc đông dược trên địa bàn vì đa số các nhà thuốc và các cơ sở y tế chủ yếu nhập thuốc đã bào chế, sao tẩm về bán, sắc cho bệnh nhân uống chứ không nhập dược liệu về tự bào chế nên không có “mẫu gốc” để so sánh khi kiểm nghiệm, gây không ít khó khăn cho Trung tâm khi kiểm nghiệm thuốc đông dược đã sao tẩm. Trên thực tế khi kiểm nghiệm Trung tâm đã phát hiện một nhà thuốc y học cổ truyền ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái và một số địa phương bán thuốc đông dược nhập về có chứa chất Rhodamin (một loại chất màu độc có nguy cơ gây ung thư cao), nhưng không phải lỗi của các nhà thuốc nên cũng chỉ thu hồi tiêu hủy chứ không phối hợp với các ngành chức năng xử lý được. Đây cũng là vấn đề bất cập trong quản lý thuốc đông dược của các tỉnh, thành nói chung và Yên Bái nói riêng.
Trên thị trường hiện nay có khoảng 1.000 hoạt chất tân dược có ở trong hàng nghìn loại thuốc và hàng trăm loại thực phẩm chức năng đang lưu hành, trong khi đó năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm tỉnh còn nhiều bất cập. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cho công tác phòng và điều trị bệnh cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh Trung tâm rất cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của tỉnh và ngành chức năng chủ quản trong thời gian tới.
Nguyễn Giang