YênBái – YBĐT – toàn tỉnh Yên Bái có 1 trường trung cấp nghề, 2 trường trung cấp có hoạt động dạy nghề là Trung cấp Y tế và Trung cấp Nông – Lâm nghiệp. Bốn trung tâm khác có hoạt động dạy nghề là các trung tâm giới thiệu việc làm và trung tâm kỹ thuật thực hành – hướng nghiệp. Ngoài ra, còn 7 trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị, thành phố và 3 cơ sở dạy nghề tư nhân.
Thực hiện chủ trương xã hội hoá dạy nghề, hai năm 2006-2007, mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh ngày càng được củng cố và phát triển. Đã có sự đa dạng hoá các loại hình đào tạo và hình thức dạy nghề đầu tư của Nhà nước có xu hướng giảm dần, xuất hiện một số mô hình hoạt động dạy nghề mới. Tuy nhiên, cùng với những kết quả ban đầu này, xã hội hoá dạy nghề cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.
Năm 2006, toàn tỉnh thành lập thêm được 3 trung tâm dạy nghề cấp huyện tại Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải. Đến năm 2007, chỉ có thêm Công ty cổ phần Đào tạo Đồng Tâm được thành lập. Cùng đó, trong giai đoạn 2001-2005, ngân sách Nhà nước chiếm 84% trong cơ cấu nguồn lực tài chính chi cho dạy nghề, ngoài ngân sách chiếm 16%.
Đến năm 2006, ngân sách Nhà nước vẫn chiếm đến 83%, ngoài ngân sách chiếm 17%. Theo hướng xã hội hoá, các cơ sở dạy nghề đã da dạng hoá các loại hình đào tạo và các hình thức dạy nghề như: tại trường lớp, tại doanh nghiệp, tại các xã, làng nghề, thôn bản…nhưng nhìn chung quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề còn nhỏ bé, đặc biệt là trong việc đào tạo công nhân lành nghề dài hạn. Năm 2006 có 5.780 người được đào tạo nghề, trong đó dài hạn chỉ có 500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2006 chỉ chiếm có 11,6%. Năm 2007, tỷ lệ này chỉ nâng lên được 12% với 7.375 người được đào tạo nghề, trong đó dài hạn cũng vẫn chỉ có 695 người.
Mặt khác, chất lượng đào tạo còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, lao động được đào tạo tay nghề còn nhiều hạn chế, chưa thích ứng với điều kiện sản xuất mới và sự phát triển của khoa học công nghệ. Cơ cấu đào tạo nghề còn hạn hẹp, chưa phong phú. Một số nghề đào tạo lao động kỹ thuật chưa được đầu tư kịp thời, thiếu lao động có trình độ cao. Sự khan hiếm lao động có trình độ để tham gia vào những công việc có thu nhập cao trong xuất khẩu lao động là một trong những minh chứng cho điều này.
Hệ thống cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề ngoài công lập còn ít. Đến nay, toàn tỉnh có 1 trường trung cấp nghề, 2 trường trung cấp có hoạt động dạy nghề là Trung cấp Y tế và Trung cấp Nông – Lâm nghiệp. Bốn trung tâm khác có hoạt động dạy nghề là các trung tâm giới thiệu việc làm và trung tâm kỹ thuật thực hành – hướng nghiệp. Ngoài ra, còn 7 trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị, thành phố và 3 cơ sở dạy nghề tư nhân.
Như vậy, đến nay, mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện, thị xã, thành phố chưa phủ kín các địa phương. Các cơ sở dạy nghề hầu hết tập trung chủ yếu ở thành thị, còn ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chưa có cơ sở dạy nghề. Tỷ lệ học sinh học nghề ngoài công lập còn thấp. Mặc dù đã được chú trọng đầu tư, nhưng nhìn chung lớp học, xưởng thực hành và trang thiết bị dạy nghề còn thiếu thốn, chưa được bổ sung, nâng cấp kịp thời. Đội ngũ giáo viên ít được đào tạo nâng cao, cập nhật kiến thức, trình độ khoa học tiên tiến, chương trình giáo trình còn chậm được đổi mới…
Bên cạnh đó, một điều khá phổ biến hiện nay là nhận thức của một bộ phận thanh niên về học nghề chưa đúng mức, việc phân luồng, định hướng học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông vào học nghề còn nhiều hạn chế…
Những khó khăn, tồn tại trong quá trình xã hội hoá dạy nghề có nhiều nguyên nhân. Có thể nhận thấy nhận thức của các ngành, địa phương chưa đầy đủ về dạy nghề và xã hội hoá dạy nghề, xem xã hội hoá chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, tư tưởng coi dạy nghề đơn thuần là phúc lợi do Nhà nước đầu tư dẫn đến nhiều nơi trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước, chưa chủ động đề xuất đầu tư và tự đầu tư. Trên thực tế, nguồn lực đầu tư cho dạy nghề từ ngân sách tỉnh còn thấp, chủ yếu là đầu tư cho dạy nghề ngắn hạn. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng nhà xưởng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mới chỉ huy động được từ nguồn ngân sách trung ương, do đó quy mô và chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo dài hạn còn hạn chế.
Mặt khác, chưa có sự tích cực tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập để đào tạo và cung cấp lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh; vốn đầu tư cho dạy nghề lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề, việc huy động nguồn lực còn hạn chế; chi phí cho học nghề lớn nên việc thu học phí đủ để trang trải chi phí cho học nghề rất khó thực hiện…
T.H