YBĐT – Trong thời gian qua, cấp ủy chính quyền cơ sở đã chú trọng công tác vận động nhân dân các dân tộc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế – xã hội.
Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và các cấp ủy chính quyền đã phối hợp có nhiều hoạt động hướng về cơ sở. Cán bộ công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và vận động, hướng dẫn người dân những công việc cụ thể. Các ngành, các đoàn thể xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Rồi huyện nào, xã nào cũng xây dựng được những mô hình vận động nhân dân gắn với các chương trình mục tiêu cụ thể, tạo động lực cho các phong trào ở địa phương.
Từ cuộc vận động “ba bỏ” mấy chục năm qua làm chuyển biến quan trọng trong đời sống, xóa bỏ tệ nạn ăn sâu trong đời sống người dân địa bàn phía tây của tỉnh, đến cuộc vận động đồng bào Mông “ăn chung một tết” mới đây đã thu được kết quả bước đầu. Rồi đến việc vận động bà con trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa, mô hình vận động đồng bào ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, mô hình thu gom rác thải và vệ sinh môi trường nông thôn, vận động mở đường thôn bản, vận động tham gia công tác khuyến học, xây dựng thôn bản không có người sinh con thứ ba…
Các mô hình “cầm tay chỉ việc” đã làm cho nhận thức và cung cách làm ăn của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Mỗi mô hình “Dân vận khéo” đã khơi dậy nguồn lực nội sinh trong cộng đồng dân cư, làng xã tạo thành nguồn lực vật chất hướng vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và nhiều phong trào thi đua khác ở cơ sở. Cao hơn nữa là đã góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Nghị quyết XVII Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Hội nghị lần thứ 7 khóa XI của Đảng, bên cạnh đánh giá những thành tựu đạt được của công tác dân vận, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích những hạn chế yếu kém chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp ủy Đảng về vị trí, vai trò của công tác dân vận; còn có cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận chậm được đổi mới, chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn…
Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã khẳng định: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”.
Các nhiệm vụ, giải pháp cũng đã được đề ra, nhưng cùng với nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác dân vận, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, phải đi đầu trong các phong trào ở cơ sở để người dân noi theo và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Cụ thể hơn, cán bộ công chức của Đảng, của các cơ quan Nhà nước phải tăng cường sâu sát cơ sở, gần gũi người dân hơn nữa, nêu cao trách nhiệm vận động nhân dân của cán bộ, đảng viên; tiếp tục xây dựng các mô hình và có các hình thức tập hợp nhân dân phong phú, đa dạng và hiệu quả. Thông qua công tác dân vận phải làm sao huy động được tối đa sự tham gia, sự đóng góp của nhân dân, tạo ra lợi ích cho dân và động lực mới, thực hiện mục tiêu phát triển địa phương trong những thời gian tiếp theo.
Quang Tuấn