YBĐT – Với quyết tâm đưa chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, trở thành ngành kinh tế chủ lực trong chiến lược xóa đói giảm nghèo, vài năm trở lại đây, Yên Bái đã có nhiều chương trình, dự án và đầu tư khá lớn cho phát triển đàn đại gia súc. >>Nguời dân Yên Bái “dè dặt” tái đàn sau dịch tai xanh
Chương trình nuôi bò bán công nghiệp, nạc hoá đàn lợn, khôi phục đàn trâu, tăng đàn trâu, bò cơ học… đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng đàn trâu, bò đang giảm sút nghiêm trọng, nếu như không khẩn trương có các giải pháp khôi phục và phát triển rất khó hoàn thành kế hoạch như mục tiêu đề ra.
Theo số liệu báo cáo 4 tháng đầu năm 2012 của ngành nông nghiệp, tình hình tăng trưởng các đàn gia súc chính đều giảm rõ rệt, trong đó: đàn trâu chỉ còn 102.277 con, bằng 95,15% so với cùng kỳ, giảm 5.211 con; đàn bò 20.463 con, bằng 79% so với cùng kỳ, giảm 5.441 con; đàn lợn trên 426 ngàn con, bằng 96% so cùng kỳ, giảm 13.865 con.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản vẫn là chết rét và chăn nuôi thiếu an toàn dẫn đến dịch bệnh. Từ năm 2008 trở lại đây không năm nào Yên Bái không có gia súc chết rét và dịch bệnh, có những năm số chết lên tới gần 8 ngàn con.
Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây đã có trên 15 ngàn con gia súc, gia cầm chết rét. Bên cạnh đó, hàng ngàn con gia súc chết do dịch tụ huyết trùng, dịch lợn tai xanh và lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm H5N1 cũng làm hàng chục ngàn con gia cầm chết và tiêu hủy.
Mới đây nhất, dịch lợn tai xanh bùng phát mạnh tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, Trạm Tấu… làm 5.757 con mắc bệnh, trong đó chết 3.417 con. Đây là căn nguyên khiến gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi kéo theo nhiều biến động trong đời sống và sản xuất, làm nhiều hộ chăn nuôi khuynh gia bại sản, ảnh hưởng lớn đến sức kéo cho sản xuất.
Để khôi phục và phát triển đàn gia súc tiến tới đưa chăn nuôi gia súc trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh, ngành nông nghiệp đã có nhiều cơ chế chính sách, dự án phát triển hỗ trợ chăn nuôi. Số tiền hỗ trợ mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng, nhưng đàn gia súc vẫn chưa phát triển tương xứng, nếu như không muốn nói là ngày một giảm.
Vẫn biết việc hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước là cần thiết, được ví như cái phao cứu sinh cho người chăn nuôi nhưng việc đầu tư đến nay vẫn chưa thật bài bản, thiếu giám sát, người chăn nuôi chưa nắm bắt được những kiến thức cơ bản và vượt qua được “tư duy” sản xuất tự sản tự tiêu và dựa vào kinh nghiệm là chính. Chẳng hạn, Chương trình hỗ trợ 4 ngàn bò cái sinh sản, đầu tư làm chuồng, trồng cỏ… cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trong 2 năm 2005 – 2006 với tổng số vốn trên 26 tỷ đồng, mục tiêu và ý nghĩa thì rất tốt; tuy nhiên, hiệu quả lại không cao.
Nhiều hộ nghèo sau khi mua được bò về chỉ nuôi một thời gian ngắn rồi bán, số khác thì không làm chuồng trại, không có thức ăn dự trữ, bò chết rét khá nhiều, rồi đến nguồn cung ứng giống không đảm bảo bò dính bệnh mà chết.
Tương tự là chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Nhiều hộ chăn nuôi không đủ lực nhưng cũng mua cho đủ số lượng trâu, bò, lợn, xây dựng chuồng trại theo tiêu chí để được nhận hỗ trợ nhưng trong quá trình nuôi không đủ vốn, thiếu kiến thức phòng chống dịch bệnh, thế là bán dần, cuối cùng mang nợ.
Trâu, bò chết mỗi mùa rét đã trở thành nỗi ám ảnh của các hộ chăn nuôi, nhưng gia súc chết rét thì ít mà chết đói thì nhiều. Đó là do công tác phòng, chống rét cho gia súc chưa chủ động và hiệu quả chưa cao. Người chăn nuôi chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, cùng với thói quen thả rông gia súc dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế.
Trong chăn nuôi, việc áp dụng các hình thức chăn nuôi an toàn của đa số người dân rất kém; trâu, bò, lợn không được tiêm phòng dịch hoặc có tiêm thì cũng không hết đàn.
Một vấn đề nữa là tình hình buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn vẫn còn bỏ ngỏ. Địa bàn tỉnh chưa có lò giết mổ tập trung, trong khi mỗi ngày trên địa bàn hàng ngàn con gia súc, gia cầm giết mổ bằng phương pháp thủ công vừa mất vệ sinh an toàn thực phẩm lại khó khăn cho kiểm dịch và theo dõi dịch bệnh.
Hiện nay, một số địa phương đang triển khai hỗ trợ phát triển và khôi phục đàn gia súc, gia cầm, nhất là khôi phục đàn gia súc sau dịch lợn tai xanh. Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt những tồn tại, hạn chế nêu trên thì khó nghĩ tới phát triển ổn định và bền vững.
Ngọc Trúc