YênBái – Bệnh dại hàng năm vẫn xuất hiện trên địa bàn tỉnh, nhất là ở huyện Lục Yên, Yên Bình. Tuy nhiên, những năm gần đây, do làm tốt công tác phòng, chống bệnh dại, nên các trường hợp tử vong do lên cơn dại đã giảm nhiều, nhưng không vì thế mà chủ quan bởi thời điểm mùa hè bệnh dại phát triển rất mạnh.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, từ năm 2012 đến nay, số người tử vong do bệnh dại giảm dần qua các năm từ 2012 – 2018. Năm 2019, số người bị phơi nhiễm với bệnh dại là 5.743 ca, có 1.725 lượt người nghèo được tiêm phòng vắc – xin và 523 lượt người nghèo được tiêm phòng huyết thanh kháng dại; ghi nhận 1 trường hợp tử vong do dại tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình do không đi tiêm phòng.
Trung bình 5 năm trở lại đây (2015 – 2019), có 4.830 ca phơi nhiễm dại được tiêm phòng; trong đó, có 6 ca tử vong do bệnh dại (trung bình 1,2 ca tử vong/năm). Dự báo năm 2020, bệnh dại sẽ tiếp tục phát triển với diễn biến phức tạp, có thể có ca tử vong do dại nếu các ca phơi nhiễm không được tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại đúng lịch và đủ liều.
Theo các cơ quan chuyên môn, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật như chó, mèo sang người. Đặc biệt, động vật mắc bệnh dại có thể truyền lây cho người qua vết cắn, cào và liếm vào vết thương hở. Tỷ lệ mắc và chết có thể lên đến 100% nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.
Hầu hết các ca tử vong đều do bị chó cắn và không được điều trị dự phòng bằng vắc – xin và huyết thanh kháng dại. Mùa của dịch dại đã bắt đầu và để chủ động phòng, chống bệnh dại, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, ngành y tế Yên Bái tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát dịch tại các tuyến; giám sát phơi nhiễm với bệnh dại tại cộng đồng từ hệ thống y tế thôn, bản và y tế xã; duy trì hoạt động của 13 điểm tiêm phòng bệnh dại tại các tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ; đảm bảo đầy đủ vắc – xin, huyết thanh kháng dại để tiêm phòng dại miễn phí cho người nghèo.
Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế, cán bộ mới, nhân viên y tế thôn, bản và tăng cường tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh dại để nhân dân chủ động đi tiêm phòng khi bị phơi nhiễm với dại. Đặc biệt, tham mưu với UBND tỉnh cấp hỗ trợ kinh phí để tổ chức tập huấn, truyền thông, mua vắc – xin, huyết thanh kháng dại tiêm cho người nghèo bị phơi nhiễm.
Đồng thời, phòng dại không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế mà cần sự phối hợp, vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương chung tay thực hiện. Trong đó, ngành thú y tỉnh cần nỗ lực và có biện pháp phù hợp nhằm quản lý tốt đàn chó nuôi trên địa bàn và triển khai tiêm phòng vắc – xin dại cho chó, mèo trên quy mô tổng đàn theo quy định; tăng cường giám sát, điều tra phát hiện và phối hợp với ngành y tế xử lý ổ dịch bệnh dại trên động vật, xây dựng vùng an toàn bệnh dại.
Các huyện, thành phố có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm theo quy định, nhất là đẩy mạnh xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó không thực hiện tiêm phòng vắc – xin cho chó, thả rông chó theo Khoản 2, Điều 7 của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y… Đặc biệt, đối với nhân dân cần nâng cao nhận thức về cách phòng dại và khi bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn; không chủ quan hoặc tự điều trị bằng kinh nghiệm dân gian.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và sự ủng hộ, hiểu biết của nhân dân, chắc chắn bệnh dại sẽ được đẩy lùi.
Trần Minh