YBĐT – Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chấp hành các quy định của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được các cấp ngành, địa phương, cơ quan thông tin báo chí tuyên truyền khá rầm rộ trong thời gian qua.
Ngày 20/5/2010 – ngày Nghị định chính thức có hiệu lực – lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Nhìn chung, việc hướng dẫn chấp hành các quy định của pháp luật và xử lý vi phạm đã có tác dụng tốt tới nhận thức và hành vi người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, cũng như một vài lần khác, sự rầm rộ ban đầu qua đi và mọi sự có vẻ đang về như cũ. Tình hình chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông ở các địa phương, nhất là nội thành Yên Bái những ngày qua rất phức tạp. Vi phạm giao thông tĩnh kéo dài, ngang nhiên như trên đường Điện Biên (phía cầu Dài ra ngã tư Truyền thanh cũ) qua Trường Tiểu học Lê Quý Đôn có điểm san gạt ta luy hoạt động suốt ngày (quy định là từ 22h00 hôm trước tới 5h00 hôm sau), xe chở đất phóng nhanh, còi ga ầm ĩ, bôi bẩn cả tuyến đường, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Tại điểm cua đầu cầu Dài (phía đi Km5), thường xuyên xe tải đỗ từ 7h – 7h30 phút mỗi ngày, là lúc mật độ xe cộ và người tham gia giao thông đông, che khuất tầm nhìn rất nguy hiểm…
Về vi phạm động, việc đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên mô tô, xe máy đại đa số chỉ chấp hành ban ngày, tương tự là việc chấp hành tín hiệu giao thông ở các điểm ngã ba, ngã tư. Thành phố từ 19h00 – 22h00 là một bức tranh lộn xộn về chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, xe máy đèo quá số người quy định lạng lách, phóng nhanh trên các tuyến đường (trong đó có những đoạn đường tối om do cắt điện) rất nguy hiểm mà không gặp sự phản đối, ngăn chặn xử lý nào.
Góp phần đáng kể vào lộn xộn về an toàn giao thông là tình trạng xe chở hàng (trong đó có hàng đoàn xe chở quặng) quá tải, quá khổ từ 19h00 đến sáng hôm sau rầm rập qua thành phố, bóp còi hơi quá đề-xi-ben cho phép cả trăm lần, nhân dân rất bức xúc. Không ngại ngùng để nói rằng việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ở Yên Bái còn rất kém. Sự chậm chuyển biến về nhận thức, hành vi đó có phần do chúng ta quá coi trọng tuyên truyền, vận động mà coi nhẹ xử phạt nặng, thật nặng các hành vi vi phạm. Nghị định 34/2010/NĐ-CP được nhiều người gọi là “thần đèn” rồi “hung thần” với mức xử phạt nặng những hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy nó thực sự chưa được như vậy, tình trạng “nhờn” luật vẫn phổ biến, mức xử phạt tăng nặng từ 40-200% chưa làm thay đổi hành vi của số đông, vi phạm vẫn diễn ra hàng giờ, hàng ngày, trên mọi tuyến đường ở thành phố. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông có thể “do nhiều nguyên nhân, lý do” mà chưa tập trung lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên và xử lý nghiêm minh các đối tượng, hành vi vi phạm; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông của các cấp ngành, địa phương đang chùng xuống, thiếu liên tục, thường xuyên.
Đã có lúc một nửa thành phố thường xuyên tối om vì thực thi việc tiết giảm phụ tải điện, trong bóng tối những hành vi vi phạm an toàn giao thông diễn ra ngày càng phổ biến và trở nên nguy hiểm cho xã hội. Luật pháp là công cụ để Nhà nước điều hành, quản lý xã hội, đất nước không thể một giờ không có luật pháp, thực thi nghiêm túc – nghiêm minh các quy định của pháp luật không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chức năng mà mọi công dân có nghĩa vụ, trách nhiệm chấp hành, không thể để xảy ra việc “luật đi ngủ sớm” như những ngày qua!
Tuấn Anh