YBĐT – Theo dự báo, thời tiết đông xuân năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khả năng rét đậm, rét hại xảy ra. Đây là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát sinh, nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh và tình trạng đói, rét trên đàn gia súc, gia cầm sẽ có chiều hướng gia tăng.
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài năm 2008 và mùa đông năm 2011 đã làm chết trên 14 nghìn con gia súc tập trung chủ yếu ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Cùng với đó, dịch lợn tai xanh xảy ra vào năm 2009 tại xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn; bệnh dịch lở mồm, long móng ở trâu, bò xảy ra vào hồi tháng 4 đầu năm 2014 tại xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải và dịch cúm gia cầm… Đói rét và dịch bệnh liên miên đã quật ngã hàng nghìn con gia súc, gia cầm khiến không ít hộ nông dân nghèo lao đao, rơi vào cảnh trắng tay, gây ảnh hưởng mục tiêu phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Sau những thiệt hại nặng nề đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân tại các địa phương trong tỉnh cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm giảm thiểu số lượng gia súc bị chết do dịch bệnh và đói rét trong mùa đông. Trong đó, đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc như tiêm phòng, làm cây rơm; các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động người dân chủ động tiêm phòng dịch bệnh, tích cực dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho đàn gia súc, gia cầm.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, UBND tỉnh đã có Công văn số 2551/UBND – NLN về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm yêu cầu các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiêm phòng để phòng các bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; phát hiện và thông báo kịp thời khi có dịch xảy ra, không giấu dịch… Vì vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã được khống chế, tình trạng gia súc chết rét và chết đói trong mùa đông đã giảm hẳn, đặc biệt tại vùng cao, nơi điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, mới đây nhất tại một số địa phương đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò… Bên cạnh đó, những đợt không khí lạnh tăng cường đã khiến thời tiết vùng cao đã khắc nghiệt lại càng khắc nghiệt hơn. Để bảo vệ đàn gia súc, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và có các biện pháp cần thiết để phòng chống rét cho gia súc. Khắc phục được bệnh chủ quan, mới hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.
Đức Toàn