YênBái – YBĐT – Cũng như toàn quốc, vấn đề kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn ra khá phức tạp.
Tại địa bàn, hoạt động chế biến, tiêu thụ các loại thực phẩm như giò chả chứa hàn the, bánh giò, bánh dày có chứa focmon, thực phẩm tẩm các chất bảo quản chống ôi thiu, chống ruồi, chống mất nước vẫn còn diễn ra. Trên khâu lưu thông, tình trạng vận chuyển nội tạng động vật (tim, cật lợn), gà mổ sẵn, chim mổ sẵn, thịt thỏ, mỳ chính, hạt hướng dương, bánh kẹo… nhập lậu từ Trung Quốc về, không qua kiểm dịch, kiểm tra chất lượng chưa có chiều hướng giảm.
Năm 2008, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm soát trong hoạt động này. Sở Y tế tổ chức 3 đợt kiểm tra định kỳ về VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP tết Trung thu và 2 đợt thanh tra đột xuất vào dịp tháng 8 (sau hoàn lưu cơn bão số 4) và vào tháng 10 với mặt hàng sữa để kiểm soát việc kinh doanh sữa có nhiễm melamine. Chi cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời trinh sát, bắt giữ các phương tiện vận chuyển thực phẩm nhập lậu.
Trong năm, lực lượng chức năng đã xử lý 294 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng hoặc không bảo đảm điều kiện kinh doanh thực phẩm, tịch thu tiêu hủy hàng trăm mặt hàng rượu, bia, nước giải khát vẩn đục, bánh kẹo, váng đậu, củ cải khô bị nấm mốc, gia vị hết hạn sử dụng, gia cầm nhập lậu, giò chả có chứa hàn the và nhiều hàng hóa khác… Tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy lên tới 420 triệu đồng.
Mặc dù vậy, song tình trạng vi phạm chưa được cải thiện một cách rõ ràng. Vấn đề kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Một là, việc kiểm tra chất lượng đối với nguồn thực phẩm nhập khẩu: Lưu lượng hàng thực phẩm nhập khẩu trên địa bàn rất lớn, đặc biệt là bánh kẹo, rau củ quả nhập từ Trung Quốc. Nhưng việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm hàng này bị mắc ngay tại khâu nhập khẩu, các cơ quan chức năng cửa khẩu chưa đủ điều kiện để kiểm soát hết được nguồn hàng này. Vì vậy, trong nội địa, các lực lượng chức năng rất khó để xác định được lô hàng nào đã qua kiểm tra, lô nào chưa qua kiểm tra để xem xét, xử lý.
Thứ hai, về phương tiện kiểm nghiệm: Để xác định thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng rất cần đến các phương tiện kiểm nghiệm. Thủ đoạn, tính chất vi phạm của đối tượng càng tinh vi thì yêu cầu kiểm nghiệm phải ở trình độ cao, có tính chuyên sâu. Hiện nay, ngoài hệ thống trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh, cấp huyện đã được bố trí một số phương tiện kiểm nghiệm (nhưng nhiều khi vẫn không đáp ứng đủ), thì các lực lượng khác vẫn chưa có, ngay cả các phương tiện xét nghiệm giản đơn. Nhiều vụ việc phải đánh giá bằng cảm quan và xin ý kiến cơ quan chuyên môn. Có vụ nghi ngờ về hàm lượng các độc tố, hàm lượng chất phụ gia, cơ quan chức năng lấy mẫu gửi về trung ương để kiểm nghiệm, chờ đợi nhiều thời gian nhưng khi có kết quả thì tang vật đã bị tiêu thụ hết.
Thứ ba, việc áp dụng các chế tài xử lý: Mặc dù pháp luật đưa ra các chế tài xử lý là để mang tính răn đe, song đặc thù tại tỉnh Yên Bái, quy mô kinh doanh của các cơ sở thường là nhỏ, lượng tang vật vi phạm không nhiều. Các mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ thường là quá cao, khó thực thi trên thực tế. Nếu đưa ra giải pháp cưỡng chế thi hành quyết định thì nhiều cơ sở cũng không có khả năng để thực hiện việc này.
Thứ tư, ý thức người kinh doanh: Không ít các cơ sở kinh doanh nhận thức được tác hại của việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng và việc không duy trì điều kiện VSATTP. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, việc chấp hành pháp luật nhiều khi chỉ mang tính đối phó. Nhiều cơ sở chỉ làm các thủ tục khám sức khỏe, tập huấn VSATTP cho nhân viên và đáp ứng các điều kiện về cảnh quan, cơ sở vật chất, mẫu thực phẩm… khi làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và công bố chất lượng, sau khi hoàn thiện thì không duy trì các cam kết ban đầu, lại đưa ra thị trường những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn như công bố. Tuy vậy, trên nhãn mác sản phẩm, vẫn có các thông tin về “sản phẩm đã được công bố chất lượng” hoặc “cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP”. Nhờ những dòng chữ ấy, người tiêu dùng mặc nhiên sử dụng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng với niềm tin về sự an toàn, bảo đảm.
Để khắc phục tình trạng trên, bước sang năm 2009, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 127/ĐP tỉnh Yên Bái, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ mạnh dạn đề xuất với Trung ương và UBND tỉnh một số giải pháp để khắc phục khó khăn, chấn chỉnh lại tình hình. Mặt khác, sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền pháp luật cho thương nhân, đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng “mời trực tiếp, tuyên truyền trực tiếp”, phấn đấu để cùng với sự hợp tác của thương nhân, vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, bảo đảm sự an toàn, sức khỏe của nhân dân đặc biệt khi tết Nguyên đán Kỷ Sửu đã đến gần.
Phương Uyên