YBĐT – Chưa khi nào xe quá tải lại trở thành vấn đề xã hội nhức nhối như hiện nay. Công điện số 1966/CĐ-TTgngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia; các bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng Công an, Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ.
Điều này cho thấy sự cấp bách và quyết liệt phải vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc bảo vệ tài sản quốc gia trước nguy cơ phá đường ngày càng trở nên nghiêm trọng và phổ biến mà xe quá tải là nguyên nhân số một.
Quốc lộ 70 qua địa phận 3 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai với địa hình đồi núi quanh co, đường nhỏ hẹp, nhiều cầu yếu mới được nâng cấp không lâu nhưng hiện nhiều đoạn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường sụt lún, ổ voi, ổ gà xuất hiện ngày càng nhiều… Đây là hệ quả của việc mỗi ngày cung đường này phải “gánh” tới hàng trăm chiếc xe trọng tải lớn cộng thêm việc đổ nước mui vào lốp, vào xe khiến mặt đường nhiều đoạn bị biến dạng trầm trọng. Tình trạng xe quá tải phá đường trên tuyến quốc lộ 70 không phải đến giờ mới được cảnh báo.
Được biết, trước đó, việc siết chặt quản lý, xử lý đối với xe quá tải trên tuyến quốc lộ (đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái) đã được các ngành chức năng tăng cường phối hợp thực hiện. Cuối tháng 6 năm 2013, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái và Tổng cục Đường sắt Việt Nam đã phối hợp thực hiện Kế hoạch liên ngành số 492/KHPH về kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép trên địa bàn tỉnh và triển khai Kế hoạch 493/KHPH tiếp tục kiểm soát xe quá tải trên quốc lộ 70.
Sau 1 tháng cân kiểm tra trọng tải xe, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 552/971 xe được kiểm tra vi phạm chở quá tải (chiếm gần 60%), trong đó phạt tiền 168 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày của 78 trường hợp, xử lý hạ tải gần 1.500 tấn hàng hóa các loại. Đặc biệt, sau Công điện 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, qua hơn một tuần kiểm tra tải trọng xe lưu thông qua đoạn Km 98 + 020 quốc lộ 70 tại huyện Lục Yên (tính đến ngày 2/12), lực lượng chức năng Ban ATGT tỉnh đã tiến hành cân, phát hiện 122 /525 xe vi phạm.
Trong đó, quá tải cho phép của cầu đường bộ là 11 xe, chở quá tải trọng là 111 xe; xử lý và tước giấy phép lái xe (từ 30 đến 60 ngày) đối với 13 trường hợp, thu phạt 47,5 triệu đồng; buộc hạ tải trên 5.700 tấn hàng.
Được xác định là nguyên nhân chính gây nên hư hỏng và xuống cấp nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đồng thời cũng là nguyên nhân gây mất ATGT thì việc siết chặt kiểm soát đối với xe quá tải được xem là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh chúng ta đang chắt chiu từng đồng vốn để xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Việc kiểm soát xe quá tải chỉ hiệu quả khi tất cả các địa phương, nhất là các địa phương trên tuyến quốc lộ 70 cùng vào cuộc đồng bộ, cùng phải làm gắt gao. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên, mạnh hơn để các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu vận tải đầu vào, đầu ra lớn, sử dụng xe tải lớn nhận thức và xác định rõ mối quan hệ máu thịt với các tuyến đường để có tinh thần trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ các tuyến đường.
Nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực như: Singapore, Malaysia, Thái Lan và các quốc gia phát triển… đều có quy định rất rõ ràng, minh bạch, chi tiết về vận tải hàng quá tải. Ví như, cho phép chở quá tải so với quy định song, phải nằm trong tải trọng thiết kế của nhà sản xuất và người vận tải phải xin phép hoặc thông báo đối với từng trường hợp; nếu hạ tầng đường bộ không đáp ứng, người vận tải phải gia cố cầu đường trên tuyến vận chuyển; phải nộp lệ phí tổn hại cầu đường khi vận chuyển hàng quá tải…, mới thấy cần thiết phải đổi mới phương pháp quản lý; phải tăng cường chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vận chuyển hàng quá tải không phép; phải sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm xe quá tải trọng theo hướng tăng nặng, xử phạt cả lái xe và chủ phương tiện – giải quyết tận gốc các vi phạm.
Bên cạnh đó, cũng cần tham khảo kinh nghiệm và cách làm của các nước lân cận để có cách quản lý hiệu quả, tăng nguồn thu tu bổ cầu đường, hạn chế việc vượt tải ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ.
Phạm Minh