YênBái – YBĐT – Văn Chấn là một huyện rộng, diện tích rừng lớn, rừng có nhiều loại gỗ quý hiếm, lại là huyện cửa ngõ phía Tây của tỉnh Yên Bái, là nơi trung chuyển lâm sản từ Trạm Tấu, Mù Cang Chải, một phần huyện Văn Yên đổ về.
Do vậy, tình trạng khai thác, chặt phá, buôn bán lâm sản trái phép luôn được coi là điểm nóng so với các huyện, thị khác. Tình trạng khai thác buôn bán lâm sản trái phép, nhất là khai thác, buôn bán gỗ pơ mu trong nhiều năm qua vẫn tồn tại. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2008, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn đã tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý 48 vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ 90 m3 gỗ các loại, trong đó, có 26 m3 gỗ pơ mu, 22 m3 gỗ xẻ từ nhóm 2 đến nhóm 8, gỗ tròn 41 m3; thu giữ 19 xe máy, 4 ô tô, thu nộp ngân sách 70 triệu đồng. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, phòng chống khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép, song trên địa bàn vẫn còn một số điểm nóng ở vùng thượng huyện như Tú Lệ, Gia Hội; vùng giữa có Cầu Nhì, Thạch Lương; vùng ngoài có các xã Thượng Bằng La, Cát Thịnh.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Trung Năng cho biết: “ Một trong những tồn tại là những năm trước đây các cấp chính quyền cơ sở, người dân, các lâm trường luôn cho rằng việc giữ rừng là của lực lượng kiểm lâm. Đó là quan niệm sai lầm. Nếu chỉ một mình lực lượng kiểm lâm mà không có sự phối hợp, hợp tác và sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, lực lượng công an, quân đội, lâm trường, ban quản lý rừng và các chủ rừng thì rất khó lòng giữ nổi rừng. Đó cũng là lý do mà huyện vừa tổ chức hội nghị chuyên đề với các chủ tịch, cán bộ lâm nghiệp của tất cả các xã, lâm trường, công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ để quán triệt và quy trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, cấp chính quyền.
Đồng thời, huyện cùng các xã có rừng, các ngành liên quan xác định cụ thể nơi nào, xã nào, khu vực, tuyến đường nào là điểm nóng, là nơi trung chuyển để có phương án quản lý, bảo vệ hiệu quả. Quan điểm chung của huyện Văn Chấn là kiên quyết đẩy lùi nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn; huy động tổng lực nhiều lực lượng cùng vào cuộc tuần tra kiểm soát, giữ rừng tại gốc và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm dù người đó là ai, cương vị nào. Xã nào, thôn bản nào để xảy ra khai thác, buôn bán lâm sản, mất rừng thì chủ tịch, bí thư xã đó phải chịu trách nhiệm trước huyện”.
Qua đó, có thể thấy rõ quyết tâm đẩy lùi nạn khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trên địa bàn Văn Chấn. Chủ trương trong quá trình triển khai thực hiện là không làm tràn lan và thành những đợt cao điểm mà triển khai thường xuyên, lâu dài, huy động toàn dân tham gia bảo vệ rừng. Các xã vùng ngoài hiện đang rất bức xúc về tình trạng khai thác, chặt phá trộm rừng nguyên liệu của lâm trường do có quá nhiều cơ sở chế biến gỗ ở đây. Trước mắt, kiểm tra các cơ sở chế biến này, cơ sở nào đủ điều kiện mới cho hoạt động.
Đồng thời, giao kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền xã giám sát và chỉ cho khai thác theo đúng quy trình. Cá nhân, tổ chức nào không làm đúng quy định thì trước tiên kiểm lâm và chính quyền nơi đó phải bị xử lý. Đối với các xã có rừng tự nhiên, huyện đã xác định rõ được các điểm nóng để tăng cường lực lượng công an tuần tra trên đường, kiểm lâm, chính quyền xã giữ rừng tại gốc…
Mặt khác, phối hợp với các xã giáp ranh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; thực hiện tốt Quyết định 245/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp; chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện trong việc bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Thanh Phúc