YBĐT – Kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XIII bước vào tuần làm việc thứ ba, với tinh thần tập trung dân chủ và trách nhiệm cao trước cử tri, đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước.
Trên bàn nghị sự, các đại biểu QH đã tập trung đi sâu phân tích, đánh giá những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế. Đồng thời, hiến kế để QH và Chính phủ sớm có giải pháp vực dậy nền kinh tế, lấy lại niềm tin vào sự phát triển của đất nước.
Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua hai dự thảo luật quan trọng là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi); thảo luận về tình hình phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “nóng” cũng được các đại biểu đưa ra bàn thảo như: vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công, xử lý nợ xấu, hụt thu ngân sách, quy hoạch thủy điện, việc huy động trái phiếu Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng – an ninh và thông qua một số dự án luật quan trọng khác…
Nhiều nội dung quan trọng và chính sách cụ thể có liên quan, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân đã và đang thu hút đông đảo cử tri cả nước quan tâm theo dõi và kỳ vọng vào những quyết sách mới của QH tại kỳ họp này. Dù là thảo luận ở tổ hay ở hội trường thì cụm từ được các đại biểu QH nhắc đến nhiều nhất là “trách nhiệm”. Đó là trách nhiệm của QH trong việc đưa ra các quyết sách lớn, trách nhiệm của Chính phủ trong thực thi chính sách, trách nhiệm của địa phương, của các cấp, các ngành khi để xảy ra các vụ việc cụ thể…
Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và tái cơ cấu kinh tế diễn ra trong tuần qua, cử tri cả nước đã có được một bức tranh khá toàn diện về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước. Dẫu chưa hẳn đã lạc quan về triển vọng sáng sủa của nền kinh tế trong 2 năm tới, song điều mà các đại biểu ghi nhận là trong bão táp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đứng vững và đang phục hồi trong khó khăn.
Bằng chứng là Chính phủ đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua. Các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, từng bước kìm chế lạm phát và chính sách an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, người dân không phải quay cuồng vì những cơn sốt giá, nhất là giá vàng, giá đô la. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng để có môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là đề nghị của Chính phủ, nâng trần bội chi ngân sách từ 4,8 lên 5,3% GDP trong 2 năm tới, đồng thời cho phép phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để tăng đầu tư. Dù biết đây là việc tất yếu bởi thu ngân sách liên tục giảm do thực hiện lộ trình giảm thuế, song điều mà các đại biểu mong muốn là một cam kết chính trị, cam kết để ngăn tái lạm phát và đề nghị cần có cơ chế giám sát đặc biệt việc sử dụng nguồn vốn, bảo đảm đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm.
Chính phủ đã trình ra QH quy hoạch tổng thể thủy điện giai đoạn 2011 – 2020, trong đó quyết định xóa bỏ 6 dự án thủy điện bậc thang và trên 400 dự án thủy điện nhỏ. Điều này được các đại biểu QH đánh giá là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, bởi thực tế thời gian qua, không ít dự án thủy điện cho hiệu quả thấp, gây ảnh hưởng lớn về môi trường và đời sống xã hội.
Báo cáo trước QH về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012 của QH, Chính phủ nhận định: năm nay, dù tỷ lệ gia tăng tội phạm giảm hẳn so với năm 2012 nhưng một số loại tội phạm như giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ… lại có tính chất nghiêm trọng hơn.
Tình trạng sát hại người thân trong gia đình xảy ra nhiều, chứng tỏ sự xuống cấp về đạo đức xã hội đáng báo động… Nhiều đại biểu QH cho rằng: “Nơi nào tội phạm hoành hành thì ở đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, mà trước nhất là ngành công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước chính quyền”.
Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII đang diễn ra thu hút rất nhiều sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri cả nước. Đặc biệt, cử tri cả nước cũng kỳ vọng rất nhiều vào các chủ trương, quyết sách mới mà QH sẽ thông qua để góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tạo sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân.
Đức Toàn