YBĐT – Những biểu hiện bất thường của thời tiết đang diễn ra khắp nơi, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của người dân và mọi hoạt động kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Nhiệt độ khí quyển và đại dương tiếp tục gia tăng, các mũi băng và sông băng trên khắp thế giới không ngừng thu hẹp do bị tan chảy, mực nước biển vẫn tiếp tục dâng, nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ; nồng độ khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác trong bầu khí quyển vẫn tiếp tục tăng … Tình hình thời tiết ở hành tinh của chúng ta biến động rất khó lường, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như siêu bão, triều cường, mưa đá và băng tuyết.
Tại Việt Nam, triều cường tiếp tục dâng cao tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ, băng tuyết, mưa đá liên tục xảy ra tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, lũ lụt, mưa bão xảy ra rại các tỉnh miền Trung. Chỉ riêng những ngày đầu tháng 4 năm nay người dân đã phải gánh chịu những đợt gió lốc, mưa đá hoành hành.
Tại Yên Bái, thời gian qua đã xảy ra những vụ lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng, điển hình như cơn bão số 6 và số 7 năm 2005, cơn bão số 4 năm 2008 và gần đây nhất là vụ sạt lở đất tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân; hiện tượng rét đậm, rét hại và nước đóng băng tại các huyện miền núi đã gây thiệt hại nặng nề cho chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.
Để giúp người dân ở các nước hiểu rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của khí tượng đối với hoạt động sống của con người, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 23 tháng 3 hằng năm là Ngày Khí tượng thế giới. Còn Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên đưa ra Giờ Trái đất nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ tầm quan trọng về bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, trong những năm qua Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường như quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh truyền thông, mở các lớp tập huấn công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhiều đối tượng nhất là thế hệ trẻ; bảo vệ rừng và trồng rừng phòng hộ đầu nguồn chống xói mòn và sạt lở đất; thu gom xử lý túi nilon, bao bì, chai chứa thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra xa nhà ở tại địa bàn các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tuy nhiên những vấn đề đó là chưa đủ, việc bảo vệ môi trường cần phải tích cực hơn nữa mới ngăn ngừa sự biến đổi nhanh chóng của khí hậu. Do đó để công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn đạt được hiệu quả cao hơn nữa đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành đặc biệt là các tổ chức chính trị, xã hội, trong đó các cấp bộ Đoàn – Hội – Đội giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động các đoàn viên, thanh thiếu nhi – chủ nhân tương lai xung kích đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Đó là những hành động đơn giản như tắt đèn và quạt điện khi không cần đến, khóa vòi nước lại để tiết kiệm nước, sử dụng giấy hai mặt; duy trì có hiệu quả và xây dựng các mô hình tuyến phố văn minh; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra xa nhà tại địa bàn các xã vùng cao; tổ chức các “Ngày thứ bẩy tình nguyện” “Ngày chủ nhật xanh” vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các tuyến phố; tích cực tham gia các hoạt động trồng cây, gây rừng, bảo vệ và chăm sóc cây xanh, không săn bắn hủy diệt các loại động vật hoang dã… đều có thể giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Quang Thiều