YênBái – YBĐT – Để xây dựng một xã hội có kỷ cương, trật tự an toàn xã hội luôn được duy trì, trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao, có sự góp phần không nhỏ của công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, công tác này càng được chú trọng và khẳng định được vai trò quan trọng trên nhiều phương diện. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định:
“Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan Nhà nước và trong xã hội”. Trong những năm qua, nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn huyện Lục Yên đã có cố gắng trong việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật và đã thu được những kết quả tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, công tác này chưa được đặt ngang tầm với yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ và rộng khắp; chưa có trọng tâm, còn thiếu kế hoạch cụ thể, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, các cấp, các ngành. Vì lẽ đó, nhu cầu đáp ứng thông tin về các quy định của pháp luật của nhân dân trong thời gian qua chưa được đầy đủ. Một vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật thực sự là tâm huyết, là máu thịt của những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền?
Đi kiểm tra công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật của cấp cơ sở, đơn vị nào cũng có báo cáo rất chi tiết, rất đầy đủ về tình hình thực hiện ở đơn vị mình. Qua báo cáo cho thấy, tại một số đơn vị, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên, liên tục và rất bài bản, từ tuyên truyền qua loa truyền thanh của xã, tuyên truyền miệng trực tiếp đến tuyên truyền bằng hình thức lồng ghép với các cuộc họp thôn, bản; lồng ghép với các buổi sinh hoạt câu lạc bộ của hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… với số lượt người tham gia nghe tuyên truyền rất đông. Có xã báo cáo, đã thực hiện tuyên truyền thường xuyên ở tất cả các thôn, bản với các văn bản luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, đó chỉ là các số liệu báo cáo. Còn trên thực tế, công tác tuyên truyền có thực hiện được liên tục, thường xuyên và có hiệu quả thực sự hay không, hãy nhìn vào thực trạng nhận thức pháp luật và tình trạng vi phạm pháp luật của một bộ phận người dân, ta sẽ có câu trả lời chính xác.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2007 và đầu năm 2008, tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân – gia đình, Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt là vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, bảo vệ và phát triển rừng vẫn xảy ra liên tục. Trong năm, vẫn còn tình trạng tảo hôn, các cặp vợ chồng chung sống với nhau, thậm chí đã có con chung nhưng không đăng ký kết hôn. Số trẻ em sinh ra không đăng ký khai sinh, số người chết không được khai tử tại UBND xã, thị trấn vẫn còn nhiều, nhất là đối với đồng bào các xã vùng cao, vùng sâu (chiếm khoảng 60-70%). Tình trạng không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông vẫn xảy ra liên tục. Việc vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng không phải là chuyện hiếm ở các xã có diện tích rừng lớn…
Những tồn tại ấy có nguyên nhân do đâu, có phải do mặt bằng nhận thức pháp luật của phần đông nhân dân còn thấp, hay do công tác tuyên truyền nhiều khi mới chỉ mang tính hình thức, làm qua loa, chiếu lệ hay còn nguyên nhân nào khác nữa? Câu trả lời dường như đã quá rõ ràng. Một là, do nhận thức của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số vùng cao còn thấp, chưa ý thức được tầm quan trọng của pháp luật đối với cuộc sống của mình. Hai là, công tác tuyên truyền chưa nhận được sự quan tâm, chú trọng tại một số cơ quan, đơn vị. Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng, đó là nghiệp vụ tuyên truyền và các kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa tốt. Một số xã chỉ có thể tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, mà cũng không phát đều đặn, thường xuyên vì không có kinh phí để tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến nhân dân.
Một số xã thì có tuyên truyền trực tiếp nhưng làm sơ sài, qua quýt, chủ yếu để lấy số liệu báo cáo, người nghe chưa kịp nghe, chưa kịp nắm được nội dung tuyên truyền thì đã ngừng. Và một thực trạng nữa đang rất phổ biến, đó là tất cả các xã, thị trấn đều được cơ quan chuyên môn cấp trên trang bị tủ sách pháp luật với các văn bản luật hiện hành và hệ thống công báo được cấp miễn phí nhưng hiện nay qua kiểm tra, hầu hết tủ sách này đều nằm “an dưỡng” tại một góc nào đó, còn công báo (nơi cung cấp đầy đủ nhất tất cả các văn bản pháp luật) thì được cho vào bao tải cất vào kho hoặc xếp trên nóc tủ, thậm chí có xã còn không có tủ sách pháp luật, điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tìm hiểu, khai thác và tìm kiếm thông tin pháp luật của nhân dân. Tuy nhiên, các khó khăn trên có thể khắc phục nếu chúng ta có định hướng rõ ràng về những công việc phải làm khi thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải coi công tác này như một nhiệm vụ trọng tâm, luôn mang tính cấp bách và có tính chiến lược lâu dài.
Các cơ quan, đơn vị phải luôn đặt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật như một nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện thường xuyên, liên tục và khoa học. Những cán bộ làm công tác tuyên truyền là các báo cáo viên và tuyên truyền pháp luật phải thực sự tâm huyết với công việc, yêu việc và say việc thì khi thực hiện công tác mới có thể đưa ra những cách thức, phương pháp tuyên truyền hiệu quả, dễ đi vào nhận thức của người tiếp nhận. Nhưng một vấn đề đặt ra hiện nay, đó là các báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật hầu hết đều kiêm nhiệm, chỉ được dành rất ít thời gian cho công tác này bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn chính được giao. Chế độ ưu đãi đối với những người làm công tác này cũng rất hạn chế. Những khó khăn đó phải chăng đã không mang tính khuyến khích, động viên và có ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng của công tác tuyên truyền?
Với những yếu tố trên, thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo cần ban hành văn bản cụ thể quy định chặt chẽ các chế độ về quyền lợi và trách nhiệm đối với báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật, như thành lập hẳn một cơ quan chuyên trách có tổ chức và phạm vi hoạt động độc lập quản lý các báo cáo viên và tuyên truyền viên chuyên làm công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Như vậy, chất lượng, hiệu quả của công tác này chắc chắn sẽ được cải thiện và ngày càng có ý nghĩa hơn.
Nguyễn Kim Ngân