YBĐT – Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội (QH), Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp bầu là công việc quan trọng nhằm đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử; nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của đại biểu cử tri với mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả hoạt động, công tác.
Lấy phiếu tín nhiệm, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là thiết thực thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, là nhằm mục đích thăm dò tín nhiệm, kịp thời chấn chỉnh, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe; là tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, đồng thuận. Quan trọng như vậy nên việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm yêu cầu, quy trình theo đúng Nghị quyết số 35/2012/QH13 của QH và Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ QH và bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng.
Hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu đã tiến hành xong và được đông đảo cử tri cả nước hoan nghênh, tin tưởng. Các địa phương, trong đó có Yên Bái đang hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND xã, phường, thị trấn bầu để tiến hành ở cấp HĐND huyện, thị xã, thành phố, sau đó là cấp tỉnh.
Qua thực tế một số địa phương cấp xã, phường, thị trấn vừa hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, để lá phiếu tín nhiệm phản ánh đúng thực chất tín nhiệm của đại biểu cử tri, mỗi đại biểu HĐND phải nắm chắc mục đích, yêu cầu, trình tự, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm mà các nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH và Hướng dẫn số 73/HD-HĐND của HĐND tỉnh. Người giữ chức danh do HĐND bầu được lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá đúng mức độ, chất lượng hoạt động, công tác, phẩm chất, đạo đức, lối sống của mình trong báo cáo gửi đại biểu cử tri, để đại biểu nắm rõ, có quyết định đúng, chính xác khi thay mặt cử tri bỏ phiếu tín nhiệm cho người được lấy phiếu tín nhiệm.
Các đại biểu giữ chức danh do HĐND bầu đều là lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp, các ngành; mỗi người có những mặt mạnh, mặt hạn chế khác nhau. Do vậy, mỗi đại biểu cử tri phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc thay mặt cử tri thực hiện quyền giám sát, để đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm một cách khách quan, công tâm, công bằng, chính xác. Cấp ủy các cấp phải sâu sát, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo không để xảy ra việc tạo dư luận không chính xác, hiện tượng cục bộ, dòng họ… hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để hạ uy tín người giữ chức danh do HĐND bầu.
Hiện, cấp xã, phường, thị trấn đã cơ bản hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu; cấp huyện thị xã, thành phố đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp HĐND tháng 7/2013; cấp tỉnh đã triển khai xong các bước theo đúng quy định tại các Nghị quyết của QH và chỉ đạo của Tỉnh ủy. Cử tri cả nước rất quan tâm, hoan nghênh việc lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh do QH khóa XIII bầu tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Cử tri các dân tộc Yên Bái cũng đang rất quan tâm đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND các cấp bầu.
Lãnh đạo và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm là yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy Đảng, HĐND các cấp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và chất lượng đại biểu cử tri, nhất là những người giữ chức danh do đại biểu dân bầu, tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, trong bộ máy chính quyền, phát suy sức mạnh của nhân dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2013.
T.A