YBĐT – Đã 9 tháng trôi qua, kể từ ngày 1/1/2010 Qui định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực theo Quyết định số 1315/QĐ – TTg nhưng xem ra, hành vi hút thuốc lá tại những nơi công cộng được coi là cấm vẫn như “chẳng có gì xảy ra”.
Thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người như: ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh đường hô hấp… Qua số liệu điều tra năm 1997, ở nước ta tỷ lệ nam giới hút thuốc chiếm 50%, nữ giới là 3,4%; ước tính có 10% dân số hiện nay (khoảng hơn 7 triệu người) sẽ chết sớm do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó có 3,7 triệu người sẽ chết ở độ tuổi trung niên.
Không chỉ có hại cho sức khỏe, thuốc lá còn gây những tổn thất lớn về kinh tế của từng gia đình và toàn xã hội. Ước tính phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá cho ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 1/3 số tiền (khoảng 6000 tỷ đồng/năm) mà người dân tiêu tốn vào khói thuốc.
Thấy rõ tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã ban hành Quyết định về hành vi cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP qui định mức xử lý từ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng/lần vi phạm. Thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành, UBND có nhiệm vụ kiểm soát việc thực hiện và xử phạt.
Thực hiện quyết định của Chính phủ, UBND các cấp đã triển khai đặt biển cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc và có các thông báo, phối hợp với các bệnh viện, trường học tổ chức vận động, tuyên truyền, nhắc nhở người dân ở những nơi cấm hút thuốc lá. Nhưng buồn thay, khi tới các nơi như bệnh viện, trường học, nhà văn hóa, thư viện, trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi làm việc trong nhà đều dễ dàng bắt gặp cảnh người hút, người bất dắc dĩ phải hưởng! Chưa kể tới cả những cán bộ, công chức trong lúc hội họp vẫn thoải mái phì phèo thuốc lá như giữa chốn không người. Có những đơn vị đã qui định cấm hút thuốc tại phòng làm việc, nhưng người đứng đầu không gương mẫu thực hiện nên hiệu quả không cao.
Còn tại các nơi công cộng trong nhà (nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi nhà ga, bến xe, khu vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, khách sạn, chỉ được phép hút tại “khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá”. Khu vực này phải có thông khí riêng biệt. Song thực tế, những nơi này chưa thấy “khu vực dành riêng” nên những người hút thuốc cứ vô tư xả khói!
Theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì hành vi hút thuốc lá nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền từ 50.000 đến 100.000 đồng/lần vi phạm; tuy nhiên lại không qui định rõ ràng là đối tượng nào được tham gia vào công tác xử phạt. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế cũng như trường học, thư viện, nhà văn hóa mới chỉ dừng ở chỗ tuyên truyền, nhắc nhở chứ chưa xử phạt vì những nơi này chưa có cán bộ chuyên trách để xử lý vi phạm.
Đã có rất nhiều ý kiến của người dân đưa ra trong việc xử phạt như phối hợp với chính quyền địa phương và công an. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng lực lượng chức năng mỏng nên có thể giao trực tiếp cho các đơn vị quản lý khu vực đó xử phạt và các đơn vị có thể giao trực tiếp cho lực lượng bảo vệ.
Trước mắt cùng với tuyên truyền vận động, tránh phạm luật, đối với các cơ quan Nhà nước nên ban hành qui định về cấm hút thuốc tại nơi làm việc, đưa vào tiêu chí thi đua và giao cho các phòng, ban chuyên môn quản lý, theo dõi, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức. Các bệnh viện, trường học áp dụng tuyên truyền là chủ yếu. Nếu người ngoài cơ quan tới liên hệ công tác thì yêu cầu chấp hành nội qui không hút thuốc, nếu không tuân thủ có thể yêu cầu ra khỏi cơ quan. Tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt.
Bất cập thì đã rõ, để Qui định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng đặt ra không chỉ dừng ở hô hào, người dân đang mong mỏi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá sớm ra đời, để có một hành lang pháp lý chặt chẽ, xử lý triệt để vi phạm này.
Đào Minh